Không còn xa lạ gì, dường như chúng ta đều biết Vitamin D có tác dụng giúp xương và răng chắc khỏe. Tuy nhiên liệu đó có phải là tất cả những gì mà vitamin D mang lại cho cơ thể? Thực tế, loại vitamin này vẫn còn một số lợi ích khác có thể bạn chưa biết. Mời bạn cùng nhà thuốc Phương Chính tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.
Vitamin D là gì?
Vitamin D là một trong 4 vitamin tan trong dầu (gồm vitamin A, D, E, K). Vitamin D có tên khoa học là calciferol, được cung cấp từ thực phẩm có hai dạng: vitamin D2 (ergocalciferol) hiện diện trong thực vật, có trong nấm men và một số loại nấm và Vitamin D3 (cholecalciferol) có trong động vật, nhiều nhất là dầu gan cá biển sâu. Ngoài ra, cơ thể có khả năng tự tổng hợp vitamin D3 ở da khi được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Vai trò của vitamin D đối cơ thể
Vitamin D có vai trò quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển bình thường của cơ thể.
Tăng cường sức khỏe xương và răng
Vitamin D giữ vai trò quan trọng trong việc tạo nên cấu trúc xương, răng thông qua cơ chế phân phối canxi và phospho của cơ thể. Vitamin D làm tăng quá trình hấp thu canxi và phospho tại đường tiêu hoá. Tại xương, vitamin D cùng hormone tuyến cận giáp PTH kích thích chuyển hoá canxi và phospho, làm tăng quá trình lắng đọng canxi của xương. Vì vậy, lượng vitamin D đầy đủ là điều kiện thiết yếu để canxi và phospho được gắn trong mô xương. Nếu thiếu vitamin D, sẽ thiếu chất khoáng cho xương và răng đưa đến còi xương, nhuyễn xương, loãng xương, răng của trẻ không phát triển tốt.
Ngoài ra, vitamin D còn đóng vai trò trong quá trình phân chia tế bào, bài tiết và chuyển hoá các hormone, bao gồm hormon tuyến cận giáp (PTH) và insullin. Vitamin D có khả năng ảnh hưởng đến sự biệt hoá của một số tế bào ung thư như ung thư da, ung thư xương và các tế bào ung thư vú. Một số nghiên cứu đã chứng minh, tình trạng đủ vitamin D có liên quan đến giảm nguy cơ phát triển ung thư vú, đại tràng và tuyến tiền liệt.
Vitamin D giúp tăng cường sức khỏe xương và răng.
Tăng cường hệ miễn dịch (HMD)
Một số nghiên cứu gần đây đã kết luận rằng vitamin D giúp tăng cường HMD, tức giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là biệt hóa bạch cầu thành những tế bào có sức chiến đấu cao có khả năng tiêu diệt mầm bệnh.
Nâng cao HMD không chỉ giúp các tế bào miễn dịch chống lại tác nhân gây hại tốt hơn mà còn giúp các tế bào miễn dịch “xung đột” lẫn nhau, hay còn gọi là bị bệnh “tự miễn”. Vì vậy, vitamin D còn được chứng minh là nòng cốt trong việc kích hoạt tế bào T, loại tế bào liên quan nhiều bệnh lý tự miễn như chàm da hoặc dị ứng như hen suyễn…
Giúp giảm tỷ lệ khò khè ở trẻ em
Năm 2016, thử nghiệm lâm sàng VDAART được công bố sau 7 năm dày công nghiên cứu chứng minh rằng, bổ sung vitamin D3 liều 4400IU giúp nâng nồng độ 25-hydroxyvitamin D trong máu cao hơn nhóm bổ sung 400IU. Kết quả từ thử nghiệm VDAART cũng ghi nhận: “Mẹ bổ sung vitamin D suốt thai kỳ giúp giảm tỷ lệ khò khè (giảm tỷ lệ khò khè chứ không giảm hẳn tỷ lệ hen suyễn) ở trẻ nhỏ, đặc biệt, trong năm đầu tiên của cuộc đời”.
Một số nghiên cứu khác cũng đã chứng minh, bổ sung đầy đủ vitamin D có tác dụng giảm khò khè ở trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo. Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của khò khè ở nhóm trẻ tuổi mẫu giáo là nhiễm siêu vi, không liên quan dị ứng như hen suyễn; nên nghiên cứu này tiếp tục nhấn mạnh vai trò của vitamin D đối với HMD.
Giảm triệu chứng bệnh trầm cảm
Vitamin D có tác dụng làm giảm triệu chứng của bệnh trầm cảm và ngăn ngừa bệnh lý này. Theo kết quả được đăng trên tạp chí Journal of Internal Madicine, các nhà khoa học phát hiện những người bị trầm cảm đều cải thiện tình trạng bệnh lý của họ khi được bổ sung hàm lượng vitamin D.
Ngoài ra, với nghiên cứu khác còn cho thấy: việc thiếu hụt vitamin D làm cho tình trạng bệnh đau cơ xơ hóa trở nên nghiêm trọng hơn, gồm cả triệu chứng lo âu và trầm cảm.
Hỗ trợ giảm cân hiệu quả
Việc bổ sung hàm lượng vitamin D cùng với canxi sẽ giúp cho cơ thể tránh được cảm giác thèm ăn, góp phần giảm cân hiệu quả và phòng ngừa bệnh tim mạch.
Thiếu vitamin gây ra hậu quả gì?
Nhiều người bị thiếu vitamin D không có triệu chứng. Tuy nhiên, sự thiếu hụt vitamin D có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như:
Ảnh hưởng tới cơ, xương khớp: Sự thiếu hụt vitmain D có thể gây ra yếu xương và cơ, dẫn đến mệt mỏi. Chưa hết, thiếu vitamin D còn có thể gây mất xương, loãng xương có thể dẫn tới nguy cơ gãy xương, đau xương và khớp khi bị tác động nhẹ.
Ảnh hưởng tới phát triển của trẻ nhỏ: Các triệu chứng thiếu vitamin D ở trẻ em có thể biểu hiện hay khóc, hay cáu gắt, các vấn đề về răng, chậm phát triển, còi xương, ảnh hưởng đến sự phát triển của xương (cổ tay, đầu gối, xương sườn…) và có thể gây vòng kiềng, dị dạng xương.
Trầm cảm, phiền muộn: Một nghiên cứu năm 2019 đã phát hiện lượng vitamin D thấp có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm.
Trầm cảm, phiền muộn là biểu hiện của thiếu vitamin D.
Dễ nhiễm trùng hoặc đau ốm thường xuyên: Vitamin D giúp hỗ trợ hệ miễn dịch – nó đóng vai trò điều chỉnh chức năng miễn dịch và ức chế các phản ứng viêm. Vì thế, thiếu vitamin D cơ thể có thể dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp trên hơn.
Vết thương chậm lành: Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc chữa lành vết thương do nó điều chỉnh các yếu tố tăng trưởng và các hợp chất hình thành mô mới. Đó chính là lý do khiến vết thương lâu lành nếu thiếu vitamin D.
Bệnh tim mạch: Có mối liên hệ giữa nồng độ vitamin D và nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Điều này có thể là do vitamin D bảo vệ tim và chống lại chứng viêm. Ngoài ra, mức vitamin D thấp còn liên quan đến các tình trạng khác làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim mạch như tăng huyết áp và hội chứng chuyển hóa.
Bệnh tự miễn: Vitamin D là một chất điều biến miễn dịch tự nhiên và nghiên cứu cho thấy rằng lượng vitamin này thấp có liên quan đến các bệnh đái tháo đường type 1, bệnh đa xơ cứng, viêm khớp dạng thấp, bệnh Crohn…
Thừa vitamin D có sao không?
Ngoài thiếu vitamin D, việc cơ thể hấp thu dư thừa vitamin D cũng sẽ gây ra một số hậu quả không mong muốn. Một số dấu hiệu sau đây là báo hiệu cho việc bạn đang thừa vitamin D:
Tăng hàm lượng canxi huyết: Quá nhiều vitamin D có thể làm tăng lượng canxi huyết, gây ra các triệu chứng như chóng mặt, hay khát, mệt mỏi…
Huyết áp tăng: Vitamin D cải thiện sản sinh tế bào máu, vì vậy, quá nhiều vitamin D có thể làm tăng huyết áp, gây hại cho sức khỏe.
Mất phương hướng: Thừa vitamin D cũng có thể gây hại cho tế bào não, giảm lưu thông của oxy trong máu, gây lú lẫn và mất phương hướng.
Buồn nôn: Nghiên cứu chỉ ra rằng dùng quá nhiều vitamin D có thể làm rối loạn hệ tiêu hóa và gây ra các triệu chứng như buồn nôn và nôn.
Buồn nôn là một trong những dấu hiệu nhận biết thừa vitamin D.
Mất cảm giác ngon miệng: Vitamin D giúp kiểm soát cơn đói và giảm cân, vì vậy thừa vitamin D có thể gây chán ăn và suy dinh dưỡng.
Đau dạ dày: Hấp thu quá nhiều vitamin D có thể gây ra các bệnh về tiêu hóa như trào ngược axit và viêm dạ dày, nguyên nhân là do những phản ứng nhất định trong dạ dày gây đau.
Suy thận: Thận có thể bị suy nếu bạn sử dụng quá nhiều vitamin D do tăng hàm lượng canxi trong máu.
Khi nào cần đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe?
Bất kỳ ai khi gặp các triệu chứng thiếu hoặc thừa vitamin D như đã nêu trên đều nên đi khám và tư vấn bác sĩ. Thông qua xét nghiệm máu đơn giản sẽ giúp bạn xác định mình có bị thiếu hay thừa vitmain D hay không. Ngoài ra, thiếu hoặc thừa vitamin D đều có thể gây tác hại cho sức khỏe. Do đó, nên cần có ý kiến của bác sĩ trước khi dùng các chất bổ sung vitamin D để tránh sử dụng vượt quá lượng khuyến nghị.
Nhu cầu vitamin D cơ thể cần mỗi ngày là bao nhiêu?
Ở Việt Nam, nhu cầu khuyến nghị vitamin D được cập nhật theo khuyến nghị của Viện nghiên cứu Y học Hoa Kỳ năm 2011 cho từng giai đoạn tuổi cụ thể như sau:
– Trẻ dưới 1 tuổi: 400 IU/ngày.
– Trẻ em từ 1 tuổi trở lên và người trưởng thành dưới 50 tuổi: 600 IU/ngày.
– Người cao tuổi từ 50 tuổi trở lên và phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú: 800 IU/ngày.
Bổ sung vitamin D bằng cách nào?
Để bổ sung vitamin D cho cơ thể, bạn có thể thực hiện theo cách sau:
Tắm nắng
Trước đây, ông bà ta đã áp dụng phương pháp tắm nắng cho trẻ sơ sinh vào mỗi buổi để giúp xương chắc khỏe hơn. Ngày nay, sau khi sinh các bác sĩ vẫn khuyên mẹ áp dụng biện pháp này để trẻ trở nên cứng cáp hơn.
Được biết, ở vùng thượng bì của da có chứa hợp chất 7-dehydrocholesterol cũng được xem là tiền vitamin D. Khi có tia cực tím có trong ánh nắng mặt trời (đặc biệt là UVB, có bước sóng 290-325nm) chiếu vào da sẽ biến tiền vitamin D thành cholecalciferol tức vitamin D3. Các nhà khoa học ghi nhận, chỉ cần 10 phút để cho hai tay và khuôn mặt lộ ra dưới nắng mặt trời không cần gắt lắm là đủ cho việc tổng hợp vitamin D với lượng cần thiết cho cả một ngày.
Dùng thực phẩm giàu vitamin D và thực phẩm chức năng
Bổ sung thực phẩm giàu vitamin D cho cơ thể.
Ngoài tắm năng, bổ sung vitamin qua đường ăn uống là thực sự rất cần thiết. Chưa kể, hiện nay, số người tắm nắng ngày càng giảm, có thể do họ sợ các tác hại của tia cực tím hoặc do phải đi học, đi làm từ sáng sớm không có điều kiện để tắm nắng. Vì thế, một bữa ăn giàu vitamin D lại càng quan trọng hơn.
Một số loại thực phẩm có chứa hàm lượng vitamin D cao như cá hồi, nấm, sữa, trứng, dầu gan cá. Tuy nhiên, vitamin D tự nhiên có trong rất ít thực phẩm và thường có lượng quá thấp để đáp ứng đủ lượng khuyến nghị hàng ngày. Vì vậy, có thể sử dụng thêm chất bổ sung và thực phẩm tăng cường có chứa vitamin D2 hoặc D3.
Tham khảo: Vitamin D3 tốt nhất hiện nay
Một số lưu ý giúp nâng cao sức khỏe
Không chỉ riêng vitamin D, muốn cơ thể luôn khỏe mạnh còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Vì thế bạn cần chú ý:
– Bổ sung đầy đủ các loại thành phần thiết yếu khác cho cơ thể như: Vitamin A, vitamin B, vitamin C, sắt, kẽm,…
– Bổ sung đủ nước cho cơ thể 2-2,5 lít và tùy thời tiết cũng như hoạt động thể lực của cơ thể.
– Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
– Thực hiện lối sống lành mạnh tích cực: hạn chế rượu bia và thuốc lá; tăng cường các hoạt động thể lực phù hợp với thể trạng từng người (có thể vận động khoảng 30 phút/ngày và từ 5 – 7 ngày/tuần).
– Ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi, thư giãn và tránh căng thẳng quá mức.
Trên đây là toàn bộ bài viết về tác dụng của vitamin D và một số thông tin bổ ích liên qua. Hy vọng qua bài viết bạn đã nhận thức rõ hơn về mức độ quan trọng của loại vitamin này đối với cơ thể để có biện pháp bổ sung đầy đủ và hợp lý.
Bài viết liên quan