Dấu hiệu nhận biết táo bón ở trẻ em và cách phòng ngừa

Táo bón ở trẻ là một bệnh lý tiêu hóa thường gặp khiến phụ huynh phải đau đầu. Táo bón kéo dài không được điều trị và theo dõi hợp lý, có thể dẫn đến các biến chứng gây ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tâm lý cho trẻ em. Vậy làm thế nào để nhận biết sớm những dấu hiệu trẻ em bị táo bón, nguyên nhân từ đâu và có những phương pháp nào điều trị hiệu quả?

I. TÁO BÓN Ở TRẺ LÀ NHƯ THẾ NÀO?

Tần suất đi đại tiện của trẻ em trong tuần đầu tiên sau sinh là 4 lần/ ngày, giảm dần xuống còn 3 lần/ ngày khi trẻ được 4-6 tuần tuổi và 1-2 lần/ ngày khi được 4 tuổi.

Táo bón là tình trạng đi ngoài không thường xuyên, phân to cứng, đau và khó khăn khi đi ngoài kèm theo đi ngoài phân són.

II. PHÂN LOẠI TÁO BÓN Ở TRẺ

Táo bón ở trẻ em được chia thành 2 loại chính:

  • Táo bón cơ năng (90-95%).
  • Táo bón thực thể.

1. Táo bón cơ năng

Táo bón cơ năng hay còn gọi là táo bón chức năng là tình trạng trẻ gặp khó khăn khi đi ngoài nhưng lại không xác định được có bất cứ tổn thương thực thể nào ở đường tiêu hóa. Đây được coi là tình trạng rối loạn tiêu hóa chức năng phổ biến nhất ở trẻ em với tỷ lệ phổ biến toàn cầu là 14,4%.

a. Nguyên nhân:

Táo bón cơ năng có thể là do nguyên nhân, bao gồm: hành vi giữ phân, rối loạn chức năng hậu môn trực tràng, chế độ ăn uống, khuynh hướng di truyền và các vấn đề tâm lý. Hành vi nhịn phân là cơ chế sinh lý bệnh chính, đặc biệt ở trẻ mới biết đi và trẻ nhỏ.

b. Tiêu chuẩn chẩn đoán táo bón cơ năng: (Rome IV)

Trẻ nhỏ hơn 4 tuổi: Có ít nhất 2 trong các tiêu chí sau trong ít nhất 1 tháng:

(1) Đi ngoài ít hơn 3 lần/tuần

(2) Tiền sử ứ phân quá nhiều

(3) Tiền sử đi tiêu đau hoặc cứng

(4) Tiền sử đi cầu phân có đường kính lớn

(5) Có một khối phân lớn ở trực tràng

(6) Ở trẻ đã được học kỹ năng đi vệ sinh có thể sử dụng các tiêu chí bổ sung sau:

  • Ít nhất một đợt són phân mỗi tuần
  • Tiền sử phân có đường kính lớn có thể gây tắc bồn cầu.

Trẻ từ 4 tuổi trở lên: Có ít nhất 2 trong các tiêu chí sau trong ít nhất 1 lần mỗi tuần trong vòng ít nhất 1 tháng:

(1) Đi ngoài ít hơn 3 lần/tuần

(2) Ít nhất một đợt đại tiện không tự chủ mỗi tuần

(3) Tiền sử giữ tư thế hoặc giữ phân quá mức

(4) Tiền sử đau hoặc đi ngoài khó khăn

(5) Có một khối phân lớn ở trực tràng

(6) Tiền sử phân có đường kính lớn có thể gây tắc nghẽn bồn cầu

(7) Tiêu chí bổ sung: Không đáp ứng tiêu chí hội chứng ruột kích thích

c. Biểu hiện lâm sàng

– Số lần đi ngoài trong một tuần: ít hơn 3 lần/1tuần.

– Tính chất phân:

  • Phân cứng chắc, to
  • Máu quanh phân hoặc trong giấy vệ sinh
  • Són phân: thỉnh thoảng từng đợt vài lần một ngày, phân nhỏ són hoặc nhiều (đôi khi mẹ bệnh nhân nhầm lẫn với tiêu chảy).
  • Hành vi nín nhịn đi ngoài: Bắt chéo hai chân; gồng cứng người; đỏ mặt, đổ mồ hôi, khóc; bấu vào mẹ, đồ vật,..

2. Táo bón thực thể:

a. Nguyên nhân:

– Bất thường ở đại tràng và trực tràng: Hẹp hậu môn hoặc đại tràng, hậu môn không thủng, hậu môn lệch về phía trước hoặc lạc chỗ,…

– Rối loạn hệ thống hoặc chuyển hóa: Suy giáp, tăng hoặc hạ canxi máu, suy tuyến yên, bại não, xơ cứng bì, chứng loạn dưỡng cơ,…

– Bất thường tủy sống: Thoát vị màng não, khối u tủy sống, bất sản xương cùng,…

– Rối loạn thần kinh đường ruột: Bệnh hirschsprung, loạn sản tế bào thần kinh đường ruột,…

– Thuốc: Thuốc kháng cholinergic, thuốc kháng acid, cholestyramin, thuốc hướng tâm thần, thuốc lợi tiểu.

b. Các dấu hiệu gợi ý táo bón do nguyên nhân thực thể:

– Táo bón xuất hiện ở trẻ dưới 1 tuổi

– Cơ thắt hậu môn chặt

– Không có sự nín nhịn đi ngoài

– Không đi ngoài són

– Không đáp ứng với điều trị thông thường,…

Khi có các dấu hiệu gợi ý trên cần thăm khám lâm sàng để tìm nguyên nhân thực thể gây táo bón.

III. ĐIỀU TRỊ

1. Điều trị táo bón cơ năng:

– Mục tiêu: Đại tiện đều đặn (lý tưởng nhất là mỗi ngày một lần), đi phân mềm và không gặp khó khăn, ngăn ngừa tái phát, ngăn chặn hành vi giữ phân tái xuất hiện.

– Điều trị cụ thể:

a. Thụt tháo phân (trước khi điều trị duy trì):

– PEG (Poly ethylene glycol): 1 – 1,5g/1kg/ngày x 3 ngày (uống).

– Thụt hậu môn: Phosphate soda enemas (Fleet): trẻ > 2 tuổi.

– Dầu paraffin: trẻ > 1 tuổi: 15- 30ml/tuổi (năm) chia 2 lần.

b. Điều trị duy trì:

– Điều trị thuốc:

+ Nhuận tràng thẩm thấu: Lactulose, Sorbitol, PEG 3350, Magiesium hydroxide.

+ Nhuận tràng bôi trơn (ít dùng): Dầu paraffin.

+ Nhuận tràng kích thích: Bisacodyl, Glycerin đặt hậu môn.

– Chế độ ăn:

Tăng lượng dịch, carbonhydrate và chất xơ

Lượng chất xơ = tuổi + 5 (gam/ngày) đối với trẻ > 2 tuổi.

+ Trẻ em táo bón do bất dung nạp sữa bò: Dùng sữa đậu nành hoặc sữa đạm thủy phân.

+ Thực phẩm giàu chất xơ: rau quả, bánh mỳ nguyên cám, ngũ cốc nguyên hạt

– Huấn luyện đi ngoài.

– Xoa bóp bụng.

2. Điều trị táo bón thực thể:

Tùy thuộc vào nguyên nhân: cần thăm khám lâm sàng để tìm nguyên nhân thực thể gây táo bón.

– Bệnh phình đại tràng bẩm sinh: Phẫu thuật cắt bỏ đoạn đại tràng vô hạch.

– Bệnh suy giáp trạng bẩm sinh: Liệu pháp hormone thay thế.

– Khối u vùng tủy- thắt lưng, các dị tật thần kinh như thoát vị màng não tủy hoặc tật nứt dọc đốt sống: Phẫu thuật,…

Tóm lại, táo bón ở trẻ em là một trong những bệnh lý rối loạn tiêu hóa vô cùng phổ biến. Việc trang bị những kiến thức cơ bản để nhận biết, cách xử trí và chăm sóc trẻ đúng cách là rất cần thiết để giúp bố mẹ có thể bảo vệ trẻ phát triển khỏe mạnh.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quyết định số: 3312/QĐ-BYT: TÀI LIỆU CHUYÊN MÔN “HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ MỘT SỐ BỆNH THƯỜNG GẶP Ở TRẺ EM”
  2. Benninga, M. A., Nurko, S., Faure, C., Hyman, P. E., Roberts, I. S. J., & Schechter, N. L. (2016). Childhood functional gastrointestinal disorders: neonate/toddler. Gastroenterology, 150(6), 1443-1455.
  3. Wegh, C. A., Baaleman, D. F., Tabbers, M. M., Smidt, H., & Benninga, M. A. (2022). Nonpharmacologic treatment for children with functional constipation: a systematic review and meta-analysis. The Journal of Pediatrics, 240, 136-149.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *