COENZYM Q10 VÀ VAI TRÒ TRONG HỖ TRỢ ĐIỀU TRỊ BỆNH TIM MẠCH

Coenzym Q10 là một trong những chất chống oxy hóa cần thiết. Theo đó, bệnh tim mạch là một bệnh lý phổ biến và là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong trên toàn thế giới. Một trong những yếu tố gây tăng nguy cơ bệnh lý này là do stress oxy hóa. Vì thế chúng ta cần bổ sung thêm những chất có khả năng chống oxy hóa cho cơ thể như Coenzym Q10.

 

coenzym q10

COENZYM Q10 LÀ GÌ?

Coenzyme Q10 (CoQ10), còn được gọi là ubiquinone, là một phân tử tan trong chất béo.

Coenzym Q10 đóng vai trò quan trọng trong cơ chế sinh hóa cung cấp năng lượng cho tế bào, hoạt động kết hợp với các enzyme (do đó có tên là Coenzym Q10) để chuyển hóa đường và chất béo thành năng lượng.

Coenzym Q10 còn là một chất chống oxy hóa nội sinh và gan là nơi sinh tổng hợp Coenzym Q10 chính trong cơ thể.

Sự phân bố Coenzym Q10 không đồng đều giữa các cơ quan khác nhau và nồng độ cao nhất được quan sát thấy ở tim, nồng độ của nó giảm dần theo tuổi tác.

Mức Coenzym Q10 cũng có thể bị suy giảm do tập thể dục cường độ cao, một số loại thuốc theo toa và do bệnh tật.

BỆNH TIM MẠCH LÀ GÌ?

Bệnh tim mạch là một nhóm các tình trạng bệnh lý liên quan đến cấu trúc và hoạt động của tim cũng như các mạch máu, gây suy yếu khả năng hoạt động của cơ tim.

Bệnh bao gồm các bệnh mạch vành, tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ (bệnh động mạch vành), bệnh van tim, bệnh cơ tim,…

Bệnh tim mạch là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong trên thế giới.

Stress oxy hóa (tình trạng mất cân bằng giữa gốc tự do hay gốc có oxy hoạt động và chất chống oxy hóa) được coi là một yếu tố thiết yếu trong sự phát triển của nhóm bệnh này.

Từ đó, dẫn đến lý thuyết rằng chất chống oxy hóa có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

COENZYM Q10 CÓ TÁC DỤNG GÌ ĐỐI VỚI CÁC BỆNH TIM MẠCH?

Coenzym Q10 đóng vai trò quan trọng trong nhu cầu năng lượng của tim, một chất chống oxy hóa giúp bảo vệ màng tế bào (đặc biệt là màng ty thể) khỏi tác động gây hại của các gốc tự do.

Nếu thiếu hụt Coenzym Q10 trong mô tim sẽ dẫn đến suy yếu cơ tim. Mức độ nghiêm trọng của suy tim tương quan với mức độ nghiêm trọng của tình trạng thiếu coenzyme Q10.

Coenzym Q10 có khả năng làm tăng sản xuất các chất chống oxy hóa quan trọng, chẳng hạn như superoxide dismutase, một loại enzyme có hiệu quả làm giảm căng thẳng oxy hóa mạch máu ở những người bị tăng huyết áp.

Coenzym Q10 còn tham gia vào quá trình tái tạo các chất chống oxy hóa là vitamin C và vitamin E.

Coenzym Q10 có thể cải thiện lưu lượng máu và bảo vệ mạch máu bằng cách bảo vệ Oxide Nitric (NO) giúp giãn mạch. Do đó, có thể làm giảm huyết áp ở những bệnh nhân tăng huyết áp mà không có tác dụng phụ, khi dùng riêng lẻ hoặc kết hợp với các thuốc chống tăng huyết áp thông thường.

Coenzym Q10 có thể bảo vệ chống lại xơ vữa động mạch bằng cách ức chế quá trình oxy hóa LDL-cholesterol và ức chế quá trình tổng hợp của nó.

CÁCH BỔ SUNG COENZYM Q10

Coenzym Q10 có thể được bổ sung cho cơ thể qua các loại thực phẩm hàng ngày hoặc các chế phẩm chứa Coenzym Q10.

– Thức ăn: Thịt có hàm lượng Coenzym Q10 cao nhất, tiếp theo là sữa, trứng và các nguồn thực phẩm có nguồn gốc thực vật (dầu và đậu).

(Chú ý: sự hấp thụ Coenzym Q10 trong chế độ ăn chậm nhưng được cải thiện khi có mặt các bữa ăn nhiều chất béo.)

– Các chế phẩm chứa CoQ10 dưới dạng viên nang, viên nén.

LIỀU DÙNG CỦA COENZYM Q10

Coenzym Q10 an toàn như một chất bổ sung trong chế độ ăn uống.

Liều bổ sung Coenzym Q10 thường là 100 đến 300 mg/ngày. Việc bổ sung được dung nạp tốt lên đến 1200 mg/ngày.

Ví dụ:

Suy tim sung huyết

Trong một nghiên cứu trước đây, những bệnh nhân bệnh nặng được bổ sung Coenzym Q10 bằng đường uống với liều trung bình 450 mg/ngày trong ba tháng cho thấy mức Coenzym Q10 trong huyết tương tăng gấp ba lần và chức năng tim được cải thiện 25–50%.

Xơ vữa động mạch

Trong một nghiên cứu trước đây, 50 người đàn ông khỏe mạnh (tuổi trung bình 30, chỉ số khối cơ thể [BMI] trung bình là 24 kg/m2) được bổ sung 150 mg Coenzym Q10 mỗi ngày trong hai tuần, cho thấy mức LDL-cholesterol giảm khoảng 13%.

Trong một thử nghiệm đã phát hiện việc bổ sung Coenzym Q10 (120 mg/ngày trong một năm) làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch ở những bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim.

Ngoài ra cũng có báo cáo rằng việc bổ sung Coenzym Q10 (300 mg/ngày trong ba tháng) làm tăng đáng kể nồng độ enzyme chống oxy hóa và giảm viêm ở những bệnh nhân bị xơ vữa động mạch đang dùng các thuốc Statins.

CÁC TÁC DỤNG PHỤ CỦA COENZYM Q10

Coenzym Q10 có sẵn tự nhiên trong cơ thể con người.

Các chất bổ sung Coenzym Q10 thường được dung nạp tốt với chỉ một số tác dụng phụ nhỏ và không thường xuyên, bao gồm: đau dạ dày, buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy.

– Liều lượng 100 mg/ngày hoặc cao hơn có liên quan đến chứng mất ngủ nhẹ ở một số người.

– Liều lượng 300 mg hoặc nhiều hơn mỗi ngày,  có thể làm tăng men gan ở một số bệnh nhân dùng, nhưng không có báo cáo nào về độc tính gan.

– Các tác dụng phụ hiếm gặp khác bao gồm: chóng mặt, sợ ánh sáng, cáu kỉnh, nhức đầu, ợ nóng, tăng chuyển động không tự chủ và mệt mỏi.

TƯƠNG TÁC

Coenzym Q10 có tính chất hóa học tương tự như vitamin K, và có một số báo cáo tương tác tiềm tàng giữa warfarin và Coenzym Q10. Thận trọng khi bổ sung Coenzym Q10 với bệnh nhân đang dùng warfarin. Tương tác này có thể đảo ngược.

THẬN TRỌNG

– Người bị tắc mật (Coenzym Q10 được bài tiết qua mật).

– Người bị tiểu đường và dễ bị hạ đường huyết (Vì Coenzym Q10 làm giảm lượng đường trong máu lúc đói ở một số bệnh nhân.

– Bệnh nhân có phản ứng quá mẫn đã biết với Coenzym Q10 hoặc tá dược.

– Coenzym Q10 không được khuyến cáo cho phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, những người mà tác dụng của Coenzym Q10 chưa được nghiên cứu rộng rãi.

KẾT LUẬN

Tóm lại, Coenzym Q10 – một chất chống oxy hóa nội sinh của cơ thể và đóng vai trò quan trọng trong nhu cầu năng lượng của tim. Do đó cần được bổ sung khi bị suy giảm.

Dù Coenzym Q10 khá an toàn khi bổ sung hằng ngày, nhưng để có hiệu quả, Coenzym Q10 cần được dùng với liều lượng đủ và trong thời gian đủ dài.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Sood, B., Patel, P., & Keenaghan, M. (2024). Coenzyme Q10. In StatPearls. StatPearls Publishing.
  2. Rabanal-Ruiz, Y., Llanos-González, E., & Alcain, F. J. (2021). The use of coenzyme Q10 in cardiovascular diseases. Antioxidants, 10(5), 755.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *