Phân biệt bạch biến và lang ben

Bệnh lang ben không khó để nhận biết nhưng lại rất dễ nhầm lẫn với bệnh bạch biến, từ đó điều trị sai cách, không hiệu quả. Ngược lại, nhầm lẫn bệnh bạch biến thành lang ben cũng gây khó khăn cho quá trình điều trị. Bài viết sau đây sẽ giúp mọi người phân biệt giữa lang ben và bạch biến.

Phân biệt bạch biến và lang ben

I. Lang ben

1.1. Tổng quan

Tỷ lệ mắc bệnh rất cao ở những vùng có khí hậu nóng ẩm. Lang ben phổ biến nhất ở thanh thiếu niên và người trẻ tuổi, có lẽ là do tăng sản xuất bã nhờn ở những người trong nhóm tuổi này. Lang ben phổ biến hơn ở nam giới, có thể là do tăng hoạt động bã nhờn ở nam giới.

Một số yếu tố nguy cơ dễ mắc bệnh gồm: nhiệt độ môi trường nóng ẩm, tăng tiết mồ hôi, suy giảm miễn dịch do corticosteroid, mang thai, suy dinh dưỡng, đái tháo đường, bệnh Cushing, cơ địa di truyền hoặc một số rối loạn khác.

Bệnh này đặc trưng bởi các mảng/ vết giảm sắc tố hoặc tăng sắc tố, có vảy. Một số mảng hoặc đốm có thể bong vảy và khô. Theo thời gian, các mảng này phát triển lớn và bắt đầu liên kết bao phủ những vùng da rộng hơn. Thường xuất hiện ở thân trên, cổ, vai và cánh tay trên, gây ngứa.

1.2. Nguyên nhân

Lang ben do loài Malassezia gây ra, đặc biệt là M. globosa , M. furfur và M. sympodialis . Đây là 1 loại nấm có thể tồn tại cả nấm men và nấm sợi (nấm lưỡng hình). Loại nấm này thường vô hại, cộng sinh bình thường trên bề mặt da. Tuy nhiên, khi phát triển quá mức, chúng có thể làm các mảng da tròn, nhỏ trở nên sáng hoặc sẫm màu hơn vùng da xung quanh.

Môi trường ấm áp, ẩm ướt và nhiều dầu mỡ khiến nấm Malassezia furfur phát triển ngoài tầm kiểm soát. Loại nấm này khi sinh sôi quá mức sẽ tác động vào lớp biểu bì làm thay đổi sắc tố da. Đây cũng chính là nguyên nhân chính gây bệnh lang ben.

1.3. Dấu hiệu nhận biết

Lang ben tuy không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng gây mất thẩm mỹ bởi các mảng da rối loạn sắc tố. Có thể nhận biết lang ben qua những dấu hiệu sau:

– Các tổn thương xuất hiện dưới dạng nhiều mảng nhỏ, ranh giới rõ, hình tròn hoặc hình bầu dục. Theo thời gian, các mảng lớn dần theo hướng xuyên tâm và hợp nhất thành các mảng hoặc mảng rất nông.

– Các mảng da đổi màu, thường thấy ở vùng da tiết bã như lưng, ngực, bụng, cánh tay. Những mảng này có thể sáng hoặc tối hơn màu da bình thường. Các tổn thương tăng sắc tố có xu hướng xảy ra ở những bệnh nhân da trắng trong khi các tổn thương giảm sắc tố có xu hướng xảy ra ở những người da ngăm đen.

– Các mảng da có thể khô và được bao phủ bởi một lớp vảy mịn. Có thể cào nhẹ trên bề mặt tổn thương để phát hiện vảy da (dấu hiệu vỏ bào).

– Các mảng da không bị sạm đen hoặc rám nắng.

– Ngứa tại mảng da bị lang ben hoặc vùng da xung quanh nhất là khi thời tiết nóng bức.

2. Bạch biến

2.1. Định nghĩa

Bệnh bạch biến (Vitiligo) là bệnh tự miễn, liên quan đến các yếu tố di truyền và môi trường cùng với các bất thường về chuyển hóa. Đây là một bệnh lý khá phổ biến và có thể ảnh hưởng đến cả nam và nữ, ở mọi độ tuổi nhưng thường xảy ra ở những người trẻ tuổi từ 10 đến 30 tuổi. Bệnh ảnh hưởng nhiều đến tâm sinh lý và thẩm mỹ của người bệnh.

Bạch biến là một bệnh lý da rối loạn sắc tố da, đặc trưng bởi tình trạng giảm hoặc mất sắc tố một cách có chọn lọc, dẫn đến tình trạng pha loãng sắc tố ở những vùng da bị ảnh hưởng.

2.2. Nguyên nhân

– Nguyên nhân có thể do di truyền hoặc phát sinh trong quá trình phát triển.

– Đột biến ở gen DR4, B13, B35 của HLA.

– Ảnh hưởng của một bệnh tự miễn.

Cơ chế bệnh sinh: hình thành các tự kháng thể chống lại kháng nguyên của tế bào sắc tố, gây độc cho tế bào, hoặc làm giảm sản xuất sắc tố melanin. Một số ngƣời bệnh bạch biến phát sinh bệnh là do hoá chất phá huỷ hoặc ức chế hoạt động của tế bào sắc tố dẫn đến quá trình sản xuất sắc tố da melanin cũng giảm theo.

2.3. Dấu hiệu nhận biết

– Dấu hiệu của bệnh bạch biến là xuất hiện các vùng da trắng, không có vảy. Tuy nhiên, dấu hiệu này có thể thay đổi tùy theo từng người và từng giai đoạn của bệnh. Có một số dấu hiệu thường gặp trong bệnh bạch biến bao gồm:

  • Vùng da trắng: Đây là triệu chứng chính của bệnh bạch biến. Tổn thương trên da giới hạn rõ, có khuynh hướng phát triển ra ngoại vi và liên kết với nhau, tồn tại dai dẳng có khi cả chục năm. Có những vùng da mất sắc tố tự mờ đi hoặc mất hẳn nhưng thường tái phát những vết mất sắc tố ở các vị trí khác. Vùng da trắng có thể xuất hiện ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể như khuôn mặt, cổ, tay, chân, và bộ phận sinh dục.
  • Mất màu tóc hay lông: Ngoài việc mất đi màu sắc trên da, bệnh bạch biến cũng có thể làm mất màu sắc của tóc.
  • Lòng bàn tay, bàn chân và niêm mạc thường không xuất hiện tổn thương

– Các thể lâm sàng của bạch biến bao gồm:

  • Thể khu trú: các vùng da trắng với kích thước to nhỏ khác nhau, đám mất sắc tố một hoặc hai bên cơ thể. Thể đoạn cả một đoạn chi, hay thân mình xuất hiện đám da mất sắc tố.
  • Thể lan toả: gần như toàn bộ mặt hoặc rải rác trên thân mình có thể có đối xứng hoặc không, xuất hiện các đám da mất sắc tố trông tương tự như bệnh bạch tạng.
  • Thể hỗn hợp: tổn thương ở cả mặt và rải rác khắp toàn thân.

Tóm lại, lang ben và bạch biến là 2 bệnh về da khá phổ biến, có thể gây nhầm lẫn vì đều xuất hiện những đốm trắng trên da. Nhưng nguyên nhân gây ra bệnh khác nhau, dẫn đến phương pháp điều trị cũng khác nhau. Do đó để có phương pháp điều trị thích hợp và đúng đắn, chúng ta cần phân biệt được chúng và đi thăm khám khi cần thiết.

Tài liệu tham khảo

  1. Bergqvist, C., & Ezzedine, K. (2020). Vitiligo: a review. Dermatology236(6), 571-592.
  2. Leung, A. K., Barankin, B., Lam, J. M., Leong, K. F., & Hon, K. L. (2022). Tinea versicolor: an updated review. Drugs in Context11.
  3. Quyết định số 75/QĐ-BYT ngày 13/01/2015: HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ CÁC BỆNH DA LIỄU.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *