RETINOL LÀ GÌ? CÁCH DÙNG RETINOL NHƯ THẾ NÀO MỚI HIỆU QUẢ?

Retinol được biết đến là một hoạt chất có khả năng cải thiện kết cấu da, làm chậm quá trình lão hóa, tình trạng mất sắc tố, khô da và nếp nhăn. Và trên thị trường ngày có nhiều dòng mỹ phẩm chứa retinol đang được lưu hành. Tuy nhiên, để retinol phát huy tác dụng của nó thì chúng ta cần đúng cách.

Cach-su-dung-Retinol

I. Retinol là gì?

Retinol là một chất dẫn xuất của vitamin A, được đặc trưng bởi khả năng hấp thụ tốt (tan trong chất béo) thấm qua lớp sừng và thấm nhẹ vào lớp hạ bì, giúp cải thiện chức năng của da. Khi retinol được bôi tại chỗ lên da, nó có thể thẩm thấu vào da và trải qua quá trình chuyển đổi tuần tự thành retinaldehyde rồi thành axit retinoic – dạng hoạt động dưới da.

Nồng độ tối ưu của retinol để cân bằng giữa kích ứng da và hiệu quả vẫn chưa được xác định. Nồng độ retinol trong sản phẩm mỹ phẩm nằm trong khoảng từ 0,0015% đến 0,3%.

II. Công dụng của Retinol

Retinol có thể cải thiện tình trạng da bị lão hóa, mất sắc tố do cả các yếu tố thời gian và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời bằng nhiều cơ chế khác nhau như:

– Retinol cải thiện tình trạng tăng sắc tố:

  • Retinol điều hòa sản xuất melanin: bằng cách làm giảm hoạt động của tyrosinase (một loại enzyme chính trong quá trình tổng hợp melanin), làm giảm sản xuất melanin, ngăn chặn quá trình vận chuyển melanin đến các tế bào biểu bì và làm giảm hoạt động của các tế bào hắc tố được kích thích.
  • Retinol tăng tốc độ thay đổi tế bào: bằng cách thúc đẩy quá trình thay đổi tế bào da và tẩy tế bào chết trên bề mặt da.
  • Retinol ức chế viêm: Retinol có đặc tính chống viêm, giúp giải quyết tình trạng tăng sắc tố sau viêm.

– Retinol giúp chống lão hóa:

  • Retinol kích thích nguyên bào sợi tổng hợp các sợi collagen collagen loại I – protein cấu trúc chính trong da (kích thích hoạt động của nguyên bào sợi và tăng số lượng của chúng).
  • Retinol tăng sản xuất các sợi elastin đồng thời loại bỏ các sợi elastin bị thoái hóa – là một loại protein chịu trách nhiệm về độ đàn hồi và khả năng phục hồi của da, giúp cải thiện độ đàn hồi của da.
  • Retinol thúc đẩy quá trình hình thành mạch máu mới, tăng cường chức năng bảo vệ của lớp biểu bì và giảm mất nước qua biểu bì quá mức.

– Retinoid có tác dụng chống mụn trứng cá:

Retinoid làm giảm hoạt động của các enzym tham gia vào quá trình sinh lipid và ngăn chặn sự biệt hóa và phân chia tế bào của tế bào bã nhờn, làm thông thoáng lỗ chân lông bị tắc từ đó giúp da thông thoáng, ngăn ngừa mụn tái phát hiệu quả.

III. Tác dụng phụ của Retinol

Sử dụng Retinol tại chỗ không phù hợp hoặc quá mức cũng có thể dẫn đến các tác dụng phụ tiềm ẩn.

Những tác dụng phụ này thường bao gồm: da khô, đỏ và bong tróc, có thể gây khó chịu. Tuy nhiên, các tác dụng phụ này thường giảm dần theo thời gian khi da thích nghi với sản phẩm.

IV. Cách dùng Retinol hiệu quả

1. Kiểm tra độ đáp ứng trên da

Khi mới bắt đầu sử dụng, để kiểm tra xem retinol có gây kích ứng hay có phù hợp với làn da của mình hay không:

Chúng ta nên thoa sản phẩm lên một vùng da nhỏ trên cơ thể (ví dụ: cẳng tay, dưới cằm) rồi tránh để phần da đó tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.

Nếu sau khi thử, làn da của bạn không thay đổi khác thường thì bạn có thể yên tâm sử dụng hoạt chất retinol ở mặt để hỗ trợ điều trị mụn, thâm nám và ngăn ngừa lão hóa da.

2. Hãy bắt đầu từ nồng độ thấp

Khi lần đầu sử dụng retinol cần phải dùng với nồng độ từ thấp đến cao, mức độ là từ 0,01% – 0,03%.

Do vậy, khi dùng retinol trong thời gian đầu thì bạn chỉ nên sử dụng 1 tuần/lần hoặc khoảng 3 ngày/lần trong 1-2 tuần đầu tiên. Đến khi làn da thích nghi với retinol thì tăng số lần sử dụng, dần dần có thể chuyển sang sử dụng hằng ngày.

3. Chống nắng rất quan trọng

Khi dùng retinol bạn cần phải dùng kem chống nắng vì khi dùng retinol da sẽ nhạy cảm hơn bởi da đang trong quá trình tăng cường tái tạo, bong tróc nhẹ, khi gặp ánh nắng mặt trời sẽ càng phản ứng mạnh hơn.

Retinol là hoạt chất khiến làn da tăng nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, do đó thời điểm sử dụng retinol nên là ban đêm.

4. Nên cẩn thận khi dùng chung AHA/BHA và Retinol trong cùng 1 routine 

Khi sử dụng retinol, người dùng có thể sử dụng chung với AHA/BHA trong một quy trình. Tuy nhiên, sau khi đã sử dụng AHA/BHA, bạn không nên dùng ngay các sản phẩm chứa retinol lên bề mặt vùng da đó, mà cần phải đợi 20 – 30 phút sau để đảm bảo an toàn cho làn da cũng như tránh kích ứng.

Thế nhưng, nếu da bạn nhạy cảm, dễ kích ứng thì nên dùng retinol cách ngày với các sản phẩm AHA, BHA.

5. Một số phương pháp để giảm kích ứng do Retinol

Đối với người có làn da nhạy cảm, để giảm thiểu các tác dụng phụ không mong muốn thì không nên thoa trực tiếp retinol lên da mà phải thêm bước đệm trước đó. Những phương pháp sau đây sẽ giúp giảm bớt tính kích ứng của retinol (giảm sự thấm của retinol) và làm da dịu nhẹ hơn:

  • Sử dụng kem dưỡng ẩm trước, sau đó dùng retinol.
  • Thoa retinol lên da, sau đó dùng kem dưỡng ẩm ngay (không đợi thời gian retinol thấm vào da)
  • Trộn retinol với một kem dưỡng ẩm hoặc serum sau đó bôi hỗn hợp lên da cùng lúc.

Tuy nhiên, nếu muốn các sản phẩm đặc trị như retinol phát huy được hết tác dụng thì người dùng nên dùng trước bước kem dưỡng ẩm sẽ tốt hơn là dùng sau. Tùy vào làn da của mình mà người dùng có thể lựa chọn thứ tự bôi retinol cho phù hợp.

Tóm tại, ngày nay việc sử dụng mỹ phẩm chứa retinol để cải thiện làn da không còn là điều xa lạ với giới thẩm mỹ. Các nhãn hàng mỹ phẩm, dược mỹ phẩm đã và đang phát triển các dòng sản phẩm với đa dạng nồng độ phù hợp cho từng tình trạng da riêng biệt. Tuy nhiên, các bạn cần xem xét kỹ mục đích sử dụng sẽ giúp bạn dùng sản phẩm ở mức độ an toàn và đúng cách, từ đó, phát huy được hiệu quả tối đa của sản phẩm cũng như ngăn ngừa được các tác dụng phụ không mong muốn của sản phẩm đó.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Quan, T. (2023). Human skin aging and the anti-aging properties of retinol. Biomolecules13(11), 1614.
  2. Zasada, M., & Budzisz, E. (2019). Retinoids: active molecules influencing skin structure formation in cosmetic and dermatological treatments. Advances in Dermatology and Allergology/Postępy Dermatologii i Alergologii36(4), 392-397.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *