Để đánh giá hiệu quả của một sản phẩm chống nắng là các chỉ số chống nắng được ghi trên nhãn sản phẩm bao gồm chỉ số SPF (Sun Protection Factor), PA (Protection Grade of UVA). Nhưng hầu hết ít ai có thể hiểu rõ về sự khác biệt giữa hai chỉ số này cũng như về cơ chế để bảo vệ da của chúng. Vậy nên chúng ta cần phải tìm hiểu về hai chỉ số SPF và PA để từ đó lựa chọn loại kem chống nắng phù hợp với bản thân cũng như lợi ích của kem chống nắng mang lại cho chúng ta.
I. Các loại tia UV gấy hại cho da
Gần đây, thế giới đang cảnh báo mức độ ảnh hưởng của tia UV rất đáng báo động và cũng là chủ đề được nghiên cứu và thảo luận rộng rãi nhất hiện nay về da và sức khoẻ cộng đồng. Tiếp xúc dưới ánh nắng mặt trời lâu dài và không được bảo vệ trước tia UV có thể dẫn đến nhiều vấn đề về da như lão hóa sớm, nám da, sạm da và thậm chí là ung thư da. Phụ thuộc vào từng loại tia UV, các tác động lên da của chúng cũng khác nhau.
1.1 Tia UVB
Tia UVB (Ultraviolet B) là loại tia tử ngoại có bước sóng ngắn (290-320 nm) và là nguyên nhân chính gây cháy nắng. UVB tác động trực tiếp đến lớp biểu bì của da, gây ra các phản ứng viêm và tổn thương tế bào.
Tia UVB có thể làm tổn thương DNA của tế bào da, làm tăng nguy cơ mắc ung thư da. Tia này mạnh nhất vào khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, đặc biệt trong mùa hè, khi mặt trời chiếu trực tiếp xuống trái đất
Khi tiếp xúc quá mức với tia UVB, da sẽ phản ứng bằng cách tăng cường sản xuất melanin, dẫn đến hiện tượng da bị sạm đi.
Đây cũng là loại tia có thể xuyên qua các lớp bảo vệ như kính và quần áo mỏng, làm cho da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng ngay cả khi bạn không cảm thấy nóng rát.
1.2 Tia UVA
Tia UVA (Ultraviolet A) có bước sóng dài hơn UVB (320-400 nm) và chiếm đến 95% lượng tia UV tiếp xúc với bề mặt trái đất.
So với tia UVB, tia UVA có thể xuyên sâu hơn vào da, đến lớp trung bì, nơi chứa các sợi collagen và elastin- những thành phần quyết định độ đàn hồi và độ săn chắc của da. Tia UVA gây tổn thương lâu dài cho da, làm xuất hiện các dấu hiệu lão hóa sớm như nếp nhăn, sạm da, và mất độ đàn hồi.
Điểm đáng lo ngại về tia UVA là nó có thể xuyên qua cả cửa kính, mây mù và gây tổn hại cho da suốt cả năm, ngay cả khi trời không có nắng.
Chính vì thế, nhiều người có thể bị tổn thương da mà không nhận ra do thiếu nhận thức về tác hại của tia UVA.
1.3 Tia UVC
Tia UVC (Ultraviolet C) là loại tia UV có bước sóng ngắn nhất (100-280 nm) và là loại có năng lượng mạnh nhất trong ba loại tia UV. Tuy nhiên, tia UVC phần lớn bị tầng ozone của trái đất hấp thụ, nên hầu như không gây ra tác hại cho làn da trong điều kiện thông thường.
Mặc dù vậy, với sự suy giảm của tầng ozone, sự xuất hiện của tia UVC trong tương lai có thể trở thành một mối đe dọa mới cho sức khỏe con người
II. Tác động của tia UV lên da
Cả tia UVA và UVB đều gây ra những tổn thương khác nhau đối với da. Trong khi UVB gây ra cháy nắng, tổn thương bề mặt và tăng nguy cơ ung thư da, thì UVA gây tổn thương sâu bên trong da, làm giảm độ đàn hồi và đẩy nhanh quá trình lão hóa da.
Việc tiếp xúc lâu dài với tia UV không được bảo vệ có thể dẫn đến sự hình thành các vết nám, tàn nhang, và các khối u da. Do đó, việc bảo vệ da khỏi tia UV là một trong những yếu tố quan trọng để duy trì làn da khỏe mạnh.
III. Chỉ số chống nắng SPF ( SUN PROTECTION FACTOR )
3.1 SPF là gì?
SPF, viết tắt của “Sun Protection Factor”, là chỉ số đo lường khả năng bảo vệ da khỏi tác hại của tia UVB. SPF chỉ ra mức độ bảo vệ da khỏi bị cháy nắng do tia UVB gây ra.
Chỉ số SPF càng cao, khả năng chống lại tác động của UVB càng lớn. Tuy nhiên, nhiều người hiểu lầm rằng SPF càng cao thì khả năng bảo vệ da càng tốt, mà không hiểu rõ về nguyên tắc hoạt động của SPF
3.2 Cơ chế hoạt động của chỉ số SPF
Chỉ số SPF được tính toán dựa trên thời gian mà da có thể tiếp xúc với ánh nắng mà không bị cháy nắng so với khi không sử dụng kem chống nắng.
Ví dụ, nếu da bạn bắt đầu bị cháy nắng sau 10 phút phơi nắng mà không sử dụng kem chống nắng, thì khi sử dụng kem chống nắng có SPF 30, da bạn sẽ được bảo vệ trong 30 lần thời gian đó, tức là khoảng 300 phút trước khi cháy nắng
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng bạn có thể ở dưới nắng trong thời gian dài mà không cần bôi lại kem chống nắng. Thực tế, mồ hôi, nước, và sự cọ xát có thể làm giảm hiệu quả của kem chống nắng, vì thế việc bôi lại thường xuyên là rất quan trọng.
3.3 Các mức SPF và khả năng bảo vệ
+ SPF 15 : Chặn khoảng 93% tia UVB
+ SPF 30 : Chặn khoảng 97% tia UVB
+ SPF 50: Chặn khoảng 98% tia UVB
+ SPF 100: Chặn khoảng 99% tia UVB
Vậy nên sự khác biệt giữa SPF 50 và SPF 100 là không lớn, việc này rất dễ gây hiểu lầm cho người dùng trong việc lựa chọn SPF càng cao sẽ càng bảo vệ da tốt hơn. Điều này không đúng hoàn toàn vì quan trọng hơn là việc sử dụng đủ lượng kem chống nắng và bôi lại thường xuyên để đạt được hiệu quả tối đa.
3.4 Nên lựa chọn SPF bao nhiêu là phù hợp
Việc lựa chọn chỉ số SPF phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại da, mức độ tiếp xúc với nắng và môi trường. Một số lời khuyên chung là:
+ SPF 15 đến 30: Phù hợp cho những người có làn da khỏe mạnh và không tiếp xúc với ánh nắng quá lâu. Đây là mức SPF lý tưởng cho việc sử dụng hàng ngày
+ SPF 30 đến 50: Phù hợp cho những người có làn da nhạy cảm hoặc phải tiếp xúc với nắng trong thời gian dài.
+ SPF 50+ : Dành cho những hoạt động ngoài trời kéo dài, chẳng hạn như đi biển, leo núi, hoặc làm việc ngoài trời dưới nắng gắt.
Tuy nhiên, việc lựa chọn SPF cao hơn 50 không mang lại sự bảo vệ đáng kể hơn nhiều so với SPF 30 hoặc 50, mà quan trọng hơn là mình phải đảm bảo sử dụng đúng lượng kem chống nắng và bôi lại sau mỗi hai giờ.
IV. Chỉ số PA (Protection Grade of UVA)
4.1 PA là gì?
PA là viết tắt của “Protection Grade of UVA” và là chỉ số đo lường khả năng bảo vệ da khỏi tác hại của tia UVA. Trong khi chỉ số SPF đo lường khả năng chống lại tia UVB, thì PA đánh giá mức độ bảo vệ khỏi tia UVA, loại tia có khả năng thâm nhập sâu vào da và gây ra các dấu hiệu lão hóa.
4.2 Các mức PA
Chỉ số PA thường được biểu thị bằng các dấu cộng (+), mỗi dấu cộng tương đương với mức độ bảo vệ khỏi tia UVA khác nhau. Cụ thể, chỉ số PA càng nhiều dấu cộng thì mức độ bảo vệ càng cao:
+ PA+ : Bảo vệ khỏi tia UVA ở mức thấp,chặn khoảng 40-50% tia UVA.
+ PA++ : Bảo vệ khỏi tia UVA ở mức vừa phải, chặn khoảng 60-70% tia UVA.
+ PA+++ : Bảo vệ khỏi tia UVA ở mức cao,chặn khoảng 80-90% tia UVA.
+ PA++++ : Bảo vệ khỏi tia UVA ở mức rất cao, chặn trên 90% tia UVA.
Mức PA được sử dụng rộng rãi ở Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước châu Á, nơi mà các dấu hiệu lão hóa da và sạm da do tia UVA là mối quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, tại các nước phương Tây, PA ít được sử dụng hơn, thay vào đó chỉ số “Broad Spectrum” (phổ rộng) được dùng để biểu thị khả năng bảo vệ toàn diện khỏi cả tia UVA và UVB
4.3 Tầm quan trọng của chỉ số PA
Tia UVA không gây cháy nắng như UVB, nhưng tác động của nó đối với da có thể nguy hiểm hơn vì khả năng thâm nhập sâu vào da và gây ra những tổn thương không thể nhìn thấy ngay lập tức. UVA là nguyên nhân chính gây ra lão hóa sớm, bao gồm nếp nhăn, nám da, mất độ đàn hồi và sạm da. Hơn nữa, tia UVA còn có liên quan đến việc gây ra ung thư da, đặc biệt là u ác tính
Một trong những điểm đáng lo ngại là tia UVA có thể xuyên qua cửa kính và ngay cả trong điều kiện không có ánh nắng mặt trời trực tiếp, như khi trời mây mù. Điều này có nghĩa là bạn cần bảo vệ da khỏi tia UVA không chỉ khi ra ngoài mà còn khi ở trong nhà hoặc xe ô tô
Do đó, chỉ số PA rất quan trọng đối với những ai quan tâm đến việc ngăn ngừa lão hóa và bảo vệ da trước tác hại của tia UVA. Khi chọn kem chống nắng, bạn nên ưu tiên các sản phẩm có PA+++ hoặc PA++++ để bảo đảm làn da được bảo vệ toàn diện.
4.4 Làm sao để lựa chọn PA phù hợp
Tương tự như SPF, việc lựa chọn chỉ số PA phù hợp phụ thuộc vào tình huống và điều kiện tiếp xúc với ánh nắng:
- PA+ hoặc PA++ : Thích hợp cho các hoạt động trong nhà hoặc thời gian ngắn ngoài trời
- PA+++ : Phù hợp cho những người thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng, đặc biệt là vào buổi sáng và buổi chiều.
- PA++++ : Dành cho những người có làn da nhạy cảm với ánh nắng hoặc tham gia vào các hoạt động ngoài trời lâu dài, chẳng hạn như đi biển, leo núi, hoặc làm việc ngoài trời
Một điều chúng ta cần lưu ý là PA không thể thay thế cho SPF và ngược lại. Mà cả hai chỉ số này cần phải kết hợp với nhau để đảm bảo làn da được bảo vệ toàn diện khỏi cả tia UVA và UVB
V. Cách lựa chọn kem chống nắng phù hợp với các loại da
Mỗi loại da có nhu cầu khác nhau khi tiếp xúc với ánh nắng. Việc chọn sản phẩm chống nắng phù hợp với loại da sẽ giúp đảm bảo hiệu quả bảo vệ và tránh gây ra các vấn đề không mong muốn như kích ứng da hay bít tắc lỗ chân lông.
+ Da dầu hoặc da mụn: Nên chọn kem chống nắng không chứa dầu (oil-free),không gây bít lỗ chân lông (non-comedogenic) để tránh làm tình trạng mụn trở nên nặng hơn
+ Da khô: Những người có làn da khô nên chọn kem chống nắng có chứa thành phần dưỡng ẩm như glycerin, hyaluronic acid, hoặc các loại dầu tự nhiên để giúp duy trì độ ẩm cho da suốt cả ngày
+ Da nhạy cảm: Đối với da nhạy cảm, kem chống nắng vật lý (còn gọi là kem chống nắng khoáng) thường là lựa chọn tốt nhất, vì chúng chứa các thành phần dịu nhẹ như oxit kẽm và dioxide titan, ít gây kích ứng hơn so với kem chống nắng hóa học.
+ Da hỗn hợp: Với làn da vừa dầu ở vùng chữ T và khô ở các khu vực khác, bạn có thể sử dụng kem chống nắng dạng gel hoặc dạng nước, giúp da thấm nhanh, không gây nhờn rít nhưng vẫn cung cấp độ ẩm cho những vùng da cần thiết.
Như vậy kem chống nắng chỉ là một phần của quy trình bảo vệ da. Hãy kết hợp với các biện pháp bảo vệ khác như mặc quần áo bảo hộ, đeo kính râm và tránh nắng trong giờ cao điểm để bảo vệ làn da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời một cách hiệu quả nhất.
Tài liệu tham khảo
- Li, H., Colantonio, S., Dawson, A., Lin, X., & Beecker, J. (2019). Sunscreen Application, Safety, and Sun Protection: The Evidence. Journal of cutaneous medicine and surgery, 23(4), 357–369. https://doi.org/10.1177/1203475419856611
-
Serpone N. (2021). Sunscreens and their usefulness: have we made any progress in the last two decades?. Photochemical & photobiological sciences : Official journal of the European Photochemistry Association and the European Society for Photobiology, 20(2), 189–244. https://doi.org/10.1007/s43630-021-00013-1
-
Waldman, R. A., & Grant-Kels, J. M. (2019). The role of sunscreen in the prevention of cutaneous melanoma and nonmelanoma skin cancer. Journal of the American Academy of Dermatology, 80(2), 574–576.e1. https://doi.org/10.1016/j.jaad.2018.06.069
Bài viết liên quan