Thiếu sắt là tình trạng cơ thể thiếu mất nguyên tố vi lượng quan trọng để hình nên hồng cầu, dẫn đến rất nhiều bệnh lý nguy hiểm khác nhau. Vì vậy, cung cấp đủ sắt cho cơ thể là điều cần thiết để đáp ứng đủ nhu cầu tạo hồng cầu. Tình trạng thiếu sắt kéo dài sẽ dẫn đến giảm lượng sắt sẵn có, gây hạn chế tạo hồng cầu trong tủy xương, dẫn đến thiếu máu. Việc bổ sung sắt thường được khuyến nghị cho những người có nguy cơ thiếu máu như: người có chế độ ăn không cân đối, phụ nữ mang thai, trẻ em, người bị suy tim,…Vậy việc bổ sung sắt cho cơ thể như thế nào để phòng, điều trị thiếu máu do thiếu sắt là đúng?
I. Vai trò của sắt và nhu cầu sắt trong cơ thể?
Sắt là một trong những chất vi lượng thiết yếu để duy trì sự sống từ vi khuẩn đơn bào đến sinh vật đa bào như con người, có vai trò quan trọng trong hầu hết các tổ chức của cơ thể như: trong hemoglobin (Hb), myoglobin và một số enzyme. Sắt tham gia vào các quá trình chuyển hoá như vận chuyển oxy, tổng hợp DNA, sửa chữa axit nucleic, hô hấp tế bào trong ty thể, vận chuyển electron… Ngoài những vai trò này, sắt còn là thành phần quan trọng của hồng huyết cầu (hemoglobin), do đó nó đóng vai trò quan trọng cho việc vận chuyển và cung cấp oxy của hồng cầu.
II. Thiếu máu có khác thiếu sắt?
- Thiếu máu là gì?
Thiếu máu là tình trạng lượng hemoglobin trong máu của người bệnh giảm hơn so với người cùng giới, cùng lứa tuổi và cùng điều kiện sống, dẫn đến thiếu oxy ở các mô và tổ chức của cơ thể.
- Thiếu máu thiếu sắt là gì?
Thiếu sắt là tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng phổ biến nhất ảnh hưởng đến gần một phần ba dân số và là nguyên nhân hàng đầu gây thiếu máu trên toàn thế giới.
Thiếu máu do thiếu sắt được đặc trưng bởi sự giảm tổng hợp huyết sắc tố dẫn đến sản xuất hồng cầu nhược sắc và vi hồng cầu. Đây là dạng thiếu máu phổ biến nhất và có thể điều trị được.
III. Nguyên nhân cơ thể thiếu sắt
– Không cung cấp đủ nhu cầu sắt:
- Do tăng nhu cầu sắt: Trẻ em tuổi dậy thì, phụ nữ thời kỳ kinh nguyệt, phụ nữ có thai, cho con bú…
- Do cung cấp thiếu: Ăn kiêng, chế độ ăn không cân đối, chế độ ăn uống của người nghiện rượu, người già…
- Do cơ thể giảm hấp thu sắt: Viêm dạ dày do H pylori và viêm dạ dày tự miễn; viêm ruột; phẫu thuật cắt đoạn dạ dày, ruột; rối loạn tự miễn dịch, nhiễm trùng,…
- Do thức ăn làm giảm hấp thu sắt như: tanin, phytat trong trà, cà phê.
- Do thuốc làm giảm hấp thu sắt hoặc tăng thải sắt: thuốc ức chế bơm proton (PPI) hoặc thuốc đối kháng thụ thể histamine-2
– Mất sắt do mất máu mạn tính:
- Loét dạ dày tá tràng biến chứng chảy máu, ung thư đường tiêu hóa,
- Nhiễm giun móc, viêm chảy máu đường tiết niệu, mất máu nhiều qua kinh nguyệt, u xơ tử cung, bệnh thận mãn tính,…
- Tan máu trong lòng mạch: Bệnh đái huyết sắc tố kịch phát ban đêm.
– Rối lọan chuyển hóa sắt bẩm sinh (Hypotransferrinemia):
- Cơ thể không tổng hợp đươc transferrin vận chuyển sắt. Đây là bệnh rất hiếm gặp.
IV. Triệu chứng thiếu máu thiếu sắt
Biểu hiện lâm sàng của thiếu máu là dấu hiệu thiếu oxy ở các mô và tổ chức. Triệu chứng có thể xuất hiện tùy theo mức độ thiếu máu thiếu sắt và đáp ứng của cơ thể.
– Thiếu sắt
- Ăn không ngon, viêm lưỡi, giảm tập trung,…
- Móng tay khô, dễ gãy; tóc khô, dễ rụng,…
– Thiếu máu thiếu sắt
- Hoa mắt, chóng mặt, ù tai, ,…
- Cảm giác tức ngực, khó thở khi gắng sức, nhịp tim, đánh trống ngực,…
- Da xanh, niêm mạc nhợt
V. Cách bổ sung sắt trong phòng và điều trị thiếu máu do thiếu sắt
– Thực hiện chế độ ăn cân đối giàu sắt, vitamin như thịt máu đỏ (thịt bò, thịt trâu…), hải sản, thịt gia cầm, trứng, bột bánh mì, đậu, lạc, các loại rau xanh đậm như rau ngót, rau dền, rau muống,…
– Bổ sung sắt bằng đường uống là liệu pháp dễ thực hiện và được ưa chuộng cho tình trạng thiếu máu do thiếu sắt không biến chứng.
– Tăng hấp thu sắt bằng cách bổ sung thêm vitamin C, uống nước hoa quả như cam, chanh khi ăn thức ăn nhiều sắt.
– Tránh uống đồng thời với trà và cà phê vì các hợp chất polyphenol có trong những đồ uống này có thể tạo thành phức hợp không hòa tan với sắt, khiến sắt không thể hấp thụ.
– Thời gian bổ sung sắt: Kéo dài 6 tháng đến 12 tháng, nên tiếp tục bổ sung sắt thêm ba tháng sau khi lượng huyết sắc tố đã trở về bình thường.
– Phối hợp với điều trị nguyên nhân: Cần tìm được nguyên nhân gây thiếu sắt để điều trị đồng thời với điều trị thiếu máu thiếu sắt.
Lưu ý: Thuốc hấp thu tốt nhất khi uống vào lúc đói , tuy nhiên nếu bị kích ứng dạ dày thì có thể uống trong lúc ăn. Phân có màu đen, táo (không phải do xuất huyết tiêu hóa).
Từ những vấn đề nêu trên, chúng ta nhận thấy vai trò quan trọng của sắt đối với cơ thể và việc duy trì một khẩu phần ăn cân đối chứa đầy đủ lượng sắt khuyến cáo là cần thiết để tránh dẫn đến tình trạng thiếu máu do thiếu sắt. Nếu khẩu phần ăn không đáp ứng đủ sắt, chúng ta nên cân nhắc việc bổ sung sắt cho cơ thể bằng các chế phẩm viên uống hay dung dịch uống để phòng ngừa, điều trị thiếu máu do thiếu sắt.
Tài liệu tham khảo:
- Quyết định số 1494/QĐ-BYT ngày 22/4/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý huyết học.
- Elstrott, B., Khan, L., Olson, S., Raghunathan, V., DeLoughery, T., & Shatzel, J. J. (2020). The role of iron repletion in adult iron deficiency anemia and other diseases. European journal of haematology, 104(3), 153-161.
Bài viết liên quan