Thuốc ngừa thai đường uống là một trong những phương pháp ngừa thai hiệu quả, được nhiều chị em lựa chọn vì tính thuận tiện và hiệu quả tránh thai cao. Ngoài tác dụng chính là tránh thai, biện pháp này còn có tác dụng đối với một số bệnh lý khác. Thế nhưng không phải ai cũng hiểu rõ có những loại thuốc ngừa thai nào và có những công dụng gì.
I. THUỐC NGỪA THAI LÀ GÌ?
Mang thai là khi trứng của phụ nữ được thụ tinh với tinh trùng của đàn ông tạo thành hợp tử. Sau khi thụ tinh khoảng 3 – 4 ngày, hợp tử bắt đầu di chuyển dần vào tử cung tìm chỗ làm tổ. Sau khi tìm được chỗ làm tổ thích hợp trong tử cung, phôi nang sẽ hình thành chân giả bám vào niêm mạc, hình thành nhau thai, ở đó nhận được đầy đủ chất dinh dưỡng để phát triển dần thành em bé.
Thuốc ngừa thai đường uống là một biện pháp để ngăn thai kỳ xảy ra. Tuy nhiên nó không có tác dụng bảo vệ người phụ nữ khỏi các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục, bao gồm cả HIV.
Thuốc ngừa thai đường uống bao gồm: thuốc tránh thai hàng ngày (thuốc tránh thai kết hợp, thuốc tránh thai chỉ chứa progestin) và thuốc tránh thai khẩn cấp.
II. PHÂN LOẠI THUỐC NGỪA THAI
1. THUỐC NGỪA THAI KẾT HỢP
Thuốc ngừa thai đường uống kết hợp là thuốc chứa cả 2 thành phần nội tiết: estrogen và progestin.
+ Estrogen hiện có bao gồm ethinylestradiol và các estrogen tự nhiên: estradiol valerate, 17-beta estradiol và estetrol. Estrogen được sử dụng rộng rãi nhất trong thuốc tranh thai kết hợp là ethinylestradiol (EE) do khả dụng sinh học đường uống tốt (38–48%).
+ Progestin cũng gồm có các loại như: levonorgestrel, norethisterone, gestodene, desogestrel, drospirenone, nomegestrol, dienogest hoặc cyproterone.
Hàm lượng ethinylestradiol trong thuốc tránh thai kết hợp thường là 20 – 35 mcg, và 20 mcg ethinylestradiol được xem như một lựa chọn cho những người không dung nạp được 30–35 mcg và với mục đích giảm rủi ro, chủ yếu là huyết khối tắc mạch.
Viên uống kết hợp thông thường dùng hằng ngày, độ dài khoảng không thuốc là 7 ngày, khi hàm lương ethinylestradiol dưới 20 mcg, khoảng thời gian này bị rút ngắn lại, do đó cần tuân thủ hướng dẫn sử dụng.
Trên thị trường hiện có 2 loại vỉ thuốc tránh thai kết hợp: Dạng vỉ 21 viên hoặc 28 viên (có 7 viên chứa tá dược giúp cho người sử dụng khỏi quên).
Ví dụ:
– Ethinylestradiol 0,03 mg, Desogestrel 0,15 mg
– Ethinylestradiol 0,03 mg, Levonorgestrel 0,15 mg
– Ethinylestradiol 0,02 mg, Drospirenone 3mg
– Ethinylestradiol 0,02 mg, Desogestrel 0,15 mg
a. Cơ chế tác dụng của thuốc ngừa thai kết hợp
Progestin:
– Ức chế rụng trứng
– Làm đặc chất nhầy cổ tử cung, ức chế sự di chuyển và khả năng sống sót của tinh trùng và ngăn cản chúng di chuyển đến ống dẫn trứng.
Estrogen:
– Ức chế sự phát triển của nang trứng trội
b. Chống chỉ định với thuốc ngừa thai kết hợp
– Có thai hoặc nghi ngờ có thai.
– Đang cho con bú trong vòng 6 tuần sau sinh.
– Lớn tuổi (≥ 35 tuổi) và hút thuốc thường xuyên ≥ 15 điếu/ngày.
– Đã hoặc đang bị bệnh lý tim mạch và đông máu
– Đau nửa đầu (migrain),…
c. Cách sử dụng thuốc ngừa thai kết hợp
– Uống mỗi ngày 1 viên
– Uống viên đầu tiên vào bất kì ngày nào trong 5 ngày đầu tiên của chu kì kinh, tốt nhất là ngày đầu, uống mỗi ngày 1 viên vào giờ nhất định theo chiều mũi tên của vỉ thuốc.
+ Với vỉ 28 viên, khi hết vỉ phải uống viên đầu tiên của vỉ tiếp theo vào ngày hôm sau dù đang còn kinh.
+ Với vỉ 21 viên, khi hết vỉ nghỉ 7 ngày rồi dùng tiếp vỉ sau, dù đang còn kinh.
– Cần phải sử dụng thêm BPTT hỗ trợ (như tránh giao hợp hoặc sử dụng bao cao su…) trong 7 ngày kế tiếp khi bắt đầu sử dụng sau 5 ngày đầu của chu kỳ kinh, hoặc đang không có kinh.
– Quên uống viên thuốc có nội tiết (3 tuần đầu của vỉ thuốc)
+ Nếu quên 1 hoặc 2 viên (đối với loại thuốc có nồng độ estrogen 30 – 35 mcg) hoặc quên 1 viên (đối với loại thuốc có nồng độ estrogen ≤ 20 mcg): uống một viên ngay khi nhớ ra và tiếp tục uống mỗi ngày một viên như thường lệ.
+ Nếu quên ≥ 3 viên (thuốc có nồng độ estrogen 30 – 35 mcg) hoặc quên ≥ 2 viên (thuốc có nồng độ estrogen ≤ 20 mcg): uống ngay một viên thuốc ngay khi nhớ ra và tiếp tục uống thuốc như thường lệ. Khách hàng cần thêm biện pháp tránh thai (BPTT) hỗ trợ trong 7 ngày kế tiếp.
- Nếu xảy ra ở tuần lễ thứ nhất (bắt đầu vỉ thuốc) và có giao hợp không bảo vệ trong vòng 5 ngày vừa qua, khách hàng cần sử dụng thêm BPTT khẩn cấp.
- Nếu xảy ra ở tuần lễ thứ ba, khách hàng cần uống tiếp những viên thuốc có nội tiết, bỏ các viên thuốc nhắc và tiếp tục ngay vào vỉ thuốc mới.
– Quên uống viên thuốc nhắc (từ viên thứ 22 đến viên thứ 28): Bỏ viên thuốc quên, uống tiếp viên thuốc kế tiếp.
2. THUỐC NGỪA THAI CHỈ CHỨA PROGESTIN
Thuốc tránh thai chỉ chứa progestin mà không chứa estrogen nên có thể dùng cho phụ nữ đang nuôi con bú hoặc có chống chỉ định thuốc tránh thai kết hợp. Thuốc không làm ảnh hưởng đến lượng sữa tiết ra cũng như chất lượng sữa.
a. Cơ chế tác dụng của viên thuốc ngừa thai chỉ có progestin
– Ức chế rụng trứng.
– Làm đặc chất nhầy cổ tử cung, ngăn cản tinh trùng vào tử cung.
– Giảm phát triển nội mạc tử cung, ngăn cản làm tổ.
b. Chống chỉ định với thuốc ngừa thai chỉ chứa progestin
– Có thai
– Đang bị ung thư vú,…
c. Cách sử dụng thuốc ngừa thai chỉ chứa progestin
– Mỗi ngày uống 1 viên theo chiều mũi tên trên vỉ thuốc. Phải uống vào một giờ nhất định. Hiệu quả tránh thai của thuốc phụ thuộc rất nhiều vào việc tuân thủ sử dụng vì thời gian tác dụng và bán hủy ngắn (không được muộn quá 3 giờ).
– Dùng vỉ kế tiếp ngay sau khi hết vỉ đầu, không ngừng giữa hai vỉ.
– Có thể bắt đầu uống ngay khi có sữa (thường 48 giờ sau sinh) hoặc trong vòng 5 ngày đầu tiên của chu kỳ kinh.
– Cần phải sử dụng thêm biện pháp tránh thai hỗ trợ (như tránh giao hợp hoặc sử dụng bao cao su…) trong 2 ngày kế tiếp nếu: bắt đầu sau 5 ngày đầu của chu kỳ kinh, hoặc đang không có kinh.
– Quên uống 1 viên thuốc hoặc uống trễ 3 giờ trở lên: Uống một viên ngay khi nhớ và tiếp tục uống mỗi ngày một viên như thường lệ. Và cần thêm BPTT hỗ trợ trong 2 ngày tiếp theo. Có thể cân nhắc sử dụng thêm BPTT khẩn cấp nếu có nguy cơ cao.
– Nếu quên uống ≥ 2 viên, nguy cơ có thai rất cao, sử dụng các biện pháp tránh thai hỗ trợ khác như bao cao su, hay không giao hợp trong vòng 7 ngày trong khi vẫn tiếp tục dùng thuốc.
3. THUỐC NGỪA THAI KHẨN CẤP
Biện pháp tránh thai khẩn cấp được sử dụng sau khi giao hợp không được bảo vệ hoặc sử dụng các biện pháp tránh thai thất bại như: rách bao cao su, quên uống thuốc,… hoặc bị xâm hại tình dục. Thuốc tránh thai khẩn cấp có hiệu quả càng cao nếu sử dụng càng sớm.
Thuốc tránh thai khẩn cấp bao gồm: levonorgestrel, mifepristone và ulipristal acetate.
a. Cơ chế tác dụng của thuốc ngừa thái khẩn cấp
– Ức chế rụng trứng
– Làm đặc chất nhầy cổ tử cung, ngăn cản tinh trùng di chuyển vào tử cung
– Giảm phát triển nội mạc tử cung, ngăn cản làm tổ
b. Cách sử dụng thuốc tránh ngừa khẩn cấp
– Levonorgestrel: Có hiệu quả khi sử dụng trong vòng 72 giờ sau khi quan hệ tình dục không được bảo vệ.
+ Loại một viên: chứa 1,5 mg levonorgestrel: uống một viên (liều duy nhất)
+ Loại 02 viên: mỗi viên chứa 0,75 mg levonorgestrel. Uống hai lần, mỗi lần một viên cách nhau 12 giờ hoặc uống một lần cả 02 viên.
– Mifepristone: Uống 1 viên trong vòng 5 ngày (120 giờ) sau khi quan hệ tình dục không được bảo vệ.
– Ulipristal: Uống liều duy nhất 30 mg trong vòng 5 ngày (120 giờ) sau khi quan hệ tình dục không được bảo vệ.
– Sử dùng càng sớm hiệu quả tránh thai càng cao.
– Sử dụng biện pháp tránh thai hỗ trợ trong vòng 7 ngày kế tiếp sau uống thuốc.
III. TÁC DỤNG KHÁC CỦA THUỐC NGỪA THAI HÀNG NGÀY
1. Đau bụng kinh
Các thuốc ngừa thai nội tiết giúp giảm triệu chứng đau bụng kinh. Cơn đau bụng khi hành kinh có thể cải thiện khi dùng thuốc tránh thai kết hợp (cả estrogen liều thấp và trung bình), không có sự khác biệt về các loại chế phẩm.
2. Rối loạn kinh nguyệt
Thời gian ra máu trên 7 ngày (rong kinh, rong huyết) hoặc cảm nhận ra máu nhiều thường ảnh hưởng đến hoạt động hằng ngày, thể chất của người phụ nữ.
Nguyên nhân ra máu nhiều có thể không được xác định ở gần một nửa số phụ nữ, một số có thể do bệnh lý phụ khoa hoặc nội khoa (giảm yếu tố đông máu). Và tất cả các loại thuốc tránh thai kết hợp đều có thể làm giảm thời gian và mức độ mất máu kinh nguyệt.
3. Lạc nội mạc tử cung
Các biện pháp tránh thai nội tiết đều có tác dụng giảm triệu chứng và sự tiến triển của lạc nội mạc tử cung kể cả sau phẫu thuật. Cơ chế tác động là giảm prostaglandin tuần hoàn, giảm phản ứng viêm và ức chế phóng noãn.
Thuốc ngừa thai kết hợp dùng liên tục giúp giảm đau bụng kinh, đau bụng vùng chậu mạn tính và giảm nguy cơ tái phát sau phẫu thuật, tác dụng này giảm khi dừng thuốc (không còn hiệu quả sau 6 tháng).
4. U xơ tử cung
U xơ tử cung là khối u vùng chậu hay gặp với các triệu chứng rối loạn ra máu và đau vùng chậu. Các thuốc ngừa thai kết hợp hoặc progestin đơn thuần đều giúp cải thiện tình trạng ra máu thông qua cơ chế làm teo niêm mạc tử cung mà không làm tăng kích thước khối u, tuy nhiên ít tác dụng trong trường hợp u xơ tử cung to.
5. Mụn trứng cá và chứng rậm lông
Mụn trứng cá và rậm lông là 2 biểu hiện của chứng cường androgen. Thuốc ngừa thai kết hợp là lựa chọn hàng đầu trong việc kiểm soát các bất thường về kinh nguyệt và các biểu hiện da liễu của hội chứng buồng trứng đa nang.
Thuốc ngừa thai kết hợp giúp làm giảm hoạt tính androgen, từ đó kiểm soát các bất thường về kinh nguyệt và các biểu hiện da liễu của hội chứng buồng trứng đa nang.
Những thuốc chứa một trong những progestogen kháng androgen (cyproterone acetate hoặc drospirenone) và ethinyloestradiol có thể cải thiện các tình trạng này.
6. Đau đầu và triệu chứng tiền kinh nguyệt
Đau đầu có thể xuất hiện khi hành kinh do sự sụt giảm đột ngột của các hormon buồng trứng, đặc biệt là estrogen.
Hội chứng tiền kinh nguyệt bao gồm các triệu chứng về thể chất (phù, căng ngực, mệt mỏi,…) hoặc các rối loạn thần kinh (mất ngủ, cáu gắt, …) xảy ra trước khi hành kinh vài ngày đến 2 tuần và thường kết thúc sau khi có kinh vài ngày.
Các nghiên cứu cho thấy, thuốc tránh thai kết hợp giúp cải thiện hội chứng tiền kinh nguyệt. Các thuốc tránh thai nội tiết dùng liên tục đều có hiệu quả trong dự phòng và điều trị đau đầu trong hoặc trước kinh nguyệt, tuy nhiên trừ trường hợp đau đầu có aura bị chống chỉ định với estrogen.
IV. Tác dụng phụ của thuốc ngừa thai
1.Thuốc ngừa thai hàng ngày
a. Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạc
Đây là biến chứng nghiêm và trọng phổ biến nhất liên quan đến việc sử dụng thuốc tránh thai kết hợp. Rủi ro này là tác động của thành phần estrogen. Có mối quan hệ giữa mức độ rủi ro và liều lượng estrogen, cũng như loại estrogen được sử dụng.
Trong các công thức mới nhất, Ethinylestradiol được sử dụng theo truyền thống đã được thay thế bằng estrogen tự nhiên như estradiol hoặc estetrol với kết quả khả quan hơn.
b. Chảy máu giữa kỳ kinh nguyệt
Biểu hiện này thường xảy ra nhiều hơn khi bắt đầu điều trị. Những trường hợp chảy máu này thường liên quan đến việc sử dụng không đều và hút thuốc.
c. Mất kinh
Liều thấp estrogen ở một số phụ nữ không đủ để kích thích nội mạc tử cung. Tác dụng của progestin chiếm ưu thế và teo nội mạc tử cung. Không có phương pháp điều trị cụ thể nào để ngăn ngừa tình trạng vô kinh này.
Do đó, bệnh nhân có thể được hướng dẫn tiếp tục hoặc chuyển sang các công thức khác. So với thuốc tránh thai kếp hợp, viên uống tránh thai đơn thuần có tỷ lệ rối loạn kinh nguyệt cao hơn,
d. Tăng cân
Hiện tại chưa có đủ bằng chứng để chứng minh liệu thuốc tránh thai nội tiết tố có liên quan đến việc tăng cân hay không
e. Đau ngực
Người dùng bị tăng nhạy cảm với ngực dai dẳng có thể chuyển sang dùng thuốc tránh thai kết hợp có chứa liều estrogen thấp hơn hoặc một loại progestin khác, chẳng hạn như levonorgestrel hoặc drospirenone, vì tác dụng kháng mineralocorticoid của chúng.
2. Tác dụng phụ của thuốc ngừa thai thai cấp tốc
– Buồn nôn và nôn: đây là những tác dụng phụ thường gặp. (Nôn trong vòng 2 giờ sau uống thuốc nên uống lại liều thuốc tránh thai khẩn cấp càng sớm càng tốt.)
– Trì hoãn kinh nguyệt (phổ biến với mifepristone).
– Thay đổi kiểu chảy máu âm đạo.
– Đau đầu, đau bụng, chóng mặt,…
V. Kết luận
Tóm lại, ngoài tác dụng chính là tránh thai thì thuốc tránh thai đường uống còn có những tác dụng vượt trội khác. Đây là một phương pháp ngừa thai hiệu quả và thuận tiện. Tuy nhiên để thuốc phát huy tác dụng một cách hiệu quả, người sử dụng cần uống đúng cách và đều đặn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Palacios, S., Ayala, G., González, G., Badilla-Apuy, C. L., Marchena, J., Martínez, K., … & de Melo, N. R. (2023). Combined oral contraceptives: update recommendations of the Latin American contraceptive association. Gynecological Endocrinology, 39(1), 2271072.
- Matyanga, C. M. J., & Dzingirai, B. (2018). Clinical Pharmacology of Hormonal Emergency Contraceptive Pills. International journal of reproductive medicine, 2018, 2785839.
- Quyết định 2919/QĐ-BYT năm 2014 về Tài liệu chuyên môn hướng dẫn khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã, phường do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
Bài viết liên quan