Vỏ cây liễu trắng là bộ phận chứa các hợp chất salicylate chủ yếu là salicin, có tác dụng kháng viêm, giảm đau tương tự aspirin.. Cây liễu trắng (Salix alba) là một loại cây thuộc họ Salicaceae. Do đó, vỏ liễu trắng được sử dụng để điều trị trong trường hợp đau nhức cơ xương khớp, viêm và sốt.
GIỚI THIỆU CHUNG VỀ VỎ LIỄU TRẮNG
Cây liễu trắng (Salix alba), tên bắt nguồn từ tông màu trắng đến mặt dưới của lá, là một loại cây thuộc họ Salicaceae. Chi Salix (cây liễu) bao gồm 330–500 loài và hơn 200 loài lai. Các loài Salix là cây thân gỗ, cây bụi phân bố rộng rãi ở Châu Phi, Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á.
Vỏ liễu trắng (White Willow Bark) là vỏ của cây liễu trắng. Bộ phận được sử dụng là phần vỏ có màu xám, nhăn nheo là có những rãnh dọc, nứt ra ở những cây già.
THÀNH PHẦN HÓA HỌC TRONG VỎ LIỄU TRẮNG
Vỏ liễu trắng chứa chủ yếu là salicin – một tiền chất của axit salicylic.
Ngoài axit salicylic, vỏ cây liễu trắng còn chứa polyphenol, bao gồm flavonoid, proanthocyanidin và tannin.
CHUYỂN HÓA
Salicin là một chất chuyển hóa có hoạt tính dược lý chính trong vỏ liễu trắng. Khi uống vào, hơn 80% salicin có trong chiết xuất vỏ liễu sẽ được hấp thụ. Salicin được chuyển hóa bởi hệ vi khuẩn đường ruột thành saligenin, chất này được gan hấp thụ và chuyển hóa thành axit salicylic. Axit salicylic có hoạt tính ức chế cyclooxygenase (COX I, II), tác dụng kháng viêm tương tự như salicylat tổng hợp, chẳng hạn như axit acetylsalicylic (Aspirin).
CÔNG DỤNG
Trong y học cổ truyền:
Vỏ liễu trắng đã được sử dụng cho mục đích y học trong hơn 3500 năm. Từ thời cổ đại, người dân ở Ai Cập, Nam Mỹ, Hy Lạp cổ đại và Trung Quốc đã sử dụng vỏ cây liễu làm thuốc. Người Babylon cổ đại đã sử dụng vỏ cây liễu trắng hoặc chiết xuất lá để điều trị sốt, đau và viêm thông thường. Vào thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, Hippocrates đã sử dụng vỏ cây liễu trắng để điều trị chứng đau do viêm.
Trong y học hiện đại:
- Nghiên cứu invivo
– Năm 2007, Hostanska và cộng sự đã được chứng minh chiết xuất vỏ cây liễu có tác dụng ngăn chặn sự phát triển và gây ra apoptosis (chết tế bào) trong tế bào ung thư ruột kết và ung thư phổi ở người trong ống nghiệm.
– Năm 2010, Bonaterra và cộng sự đã chiết xuất vỏ cây liễu thể hiện hoạt tính chống viêm bằng cách ức chế các cytokine gây viêm như TNF-α, COX-2 và sự chuyển vị hạt nhân của yếu tố phiên mã hạt nhân kappa B (NF-κB) trong bạch cầu đơn nhân.
– Năm 2012, Shakibaei và cộng sự đã chứng minh là có tác dụng chống viêm và đồng hóa trên tế bào sụn khớp ở chó.
- Nghiên cứu lâm sàng
– Năm 2009, Vlachojannis và cộng sự kết luận rằng chiết xuất etanolic của vỏ cây liễu có hiệu quả trong điều trị chứng đau thắt lưng.
– Chiết xuất vỏ cây liễu và salicylat cũng được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm giảm cân và quản lý cân nặng cũng như các sản phẩm hoạt động thể thao. (Tác dụng có lợi của chúng có thể là do tăng khả năng chịu đau cũng như các đặc tính chống oxy hóa và chống viêm, việc giảm đau làm tăng khả năng vận động, hiệu suất tập thể dục và tiêu thụ năng lượng.)
LIỀU DÙNG CỦA VỎ LIỂU TRẮNG
Liều khuyến nghị sử dụng cho người trưởng thành là 6–12 g nguyên liệu thuốc dạng bột dưới dạng thuốc sắc (chiết xuất từ nước đun sôi) hoặc 120–240 mg salicin chia làm hai lần – thấp hơn liều aspirin thông thường (500 mg). Sự khác biệt này có thể là do sự hiện diện của polyphenol và flavonoid có trong chiết xuất.
LƯU Ý KHI DÙNG VỎ LIỄU TRẮNG
– Trẻ em dưới 16 tuổi không nên sử dụng chiết xuất vỏ cây liễu trắng vì có khả năng gây ra hội chứng Reye.
– Chưa có nghiên cứu nào về vỏ liễu trắng liên quan đến người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
– Salicin có liên quan về mặt hóa học với axit salicylic và aspirin (axit acetylsalicylic). Tuy nhiên, salicin dường như không gây kích ứng dạ dày như axit salicylic hoặc aspirin và do đó tác dụng phụ có xu hướng nhẹ.
– Những người bị dị ứng với aspirin nên tránh sử dụng vỏ cây liễu trắng hội chứng suy hô hấp cấp tính.
– Thận trọng ở những người quá mẫn cảm với các thuốc chống viêm không steroid khác và mắc bệnh hen suyễn vì tiềm năng phản ứng nặng (co thắt phế quản cấp tính).
– Các thành phần trong vỏ cây liễu có thể tương tác với thuốc chống đông máu (tăng xu hướng chảy máu), thuốc chẹn beta và thuốc lợi tiểu (làm giảm tác dụng của thuốc) và NSAID (tăng nguy cơ chảy máu dạ dày).
Tóm lại, tác dụng chính của vỏ liễu trắng là giảm đau, kháng viêm, hạ sốt được sử dụng chủ yếu trong các bệnh lý về xương khớp. Để đảm bảo việc sử dụng vỏ liễu trắng mang lại hiệu quả và an toàn, người dùng cần được sự tư vấn của bác sỹ, dược sỹ về liều dùng và cách dụng đúng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Lin, C. R., Tsai, S. H. L., Wang, C., Lee, C. L., Hung, S. W., Ting, Y. T., & Hung, Y. C. (2023). Willow Bark (Salix spp.) Used for Pain Relief in Arthritis: A Meta-Analysis of Randomized Controlled Trials. Life, 13(10), 2058.
- Oketch-Rabah, H. A., Marles, R. J., Jordan, S. A., & Dog, T. L. (2019). United States pharmacopeia safety review of Willow Bark. Planta medica, 85(16), 1192-1202.
- Shara, M., & Stohs, S. J. (2015). Efficacy and safety of white willow bark (Salix alba) extracts. Phytotherapy Research, 29(8), 1112-1116.
Bài viết liên quan