Hiện nay, tình trạng bị sốt xuất huyết ở Việt Nam không ổn định. Vào khoảng tầm giai đoạn tháng 06 đến tháng 11 hàng năm là thời điểm dịch sốt xuất huyết bùng phát và lây lan rất nhanh. Theo WHO tỷ lệ mắc trên 100 000 dân đã tăng từ 120 trong năm 2009 (tương đương với 105.370 ca) lên 194 trong năm 2017 (184 000 ca).
I. Sốt xuất huyết là gì?
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus lây qua người thông qua muỗi vằn mang mầm bệnh đốt. Bệnh này khá phổ biến ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới trong đó có Việt Nam.
Sốt xuất huyết Dengue (dengue hemorrhagic fever, DHF hay Sốt dengue) được coi là phổ biến và nguy hiểm nhất so với sốt xuất huyết Lassa, sốt xuất huyết Bolivia, sốt xuất huyết Hantavirus. Bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiêm như là co giật, sốc, viêm não, xuất huyết, suy hô hấp…thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
II. Các biểu hiện của sốt xuất huyết
Thông thường các biểu hiện lâm sàng của bệnh sốt xuất huyết rất đa dạng và diễn biến qua 3 giai đoạn:
2.1 Giai đoạn khởi bệnh:
Trong 2 đến 3 ngày đầu người bệnh sẽ sốt cao liên tục trên 38 độ C kèm theo đó là đau đầu, đau cơ, đau sau nhãn cầu. Ở giai đoạn này, người bệnh có thể xuất hiện những mẩn đỏ, phát ban.
Trong giai đoạn này, sốt xuất huyết Dengue rất giống với các bệnh sốt do virus khác nên chỉ dựa vào xét nghiệm cận lâm sàng thông qua chỉ số bạch cầu giảm, số lượng tiểu cầu bình thường hoặc giảm, dung tích hồng cầu bình thường, xét nghiệm kháng nguyên sốt xuất huyết Test Dengue cho kết quả (+) dương tính.
2.2 Giai đoạn nguy hiểm:
Ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 người bệnh có thể giảm sốt hoặc còn sốt tuỳ vào thể trạng.
Ở giai đoạn này người bệnh thường có biểu hiện vật vã, li bì, nổi mẫn đỏ nhiều hơn đặc biệt ở phần cẳng chân, mặt trong cánh tay, bụng đùi, thậm chí là xuất hiện những mảng bầm tím, chảy máu cam, chảy máu chân răng và đi phân có màu đen.
Người bệnh thường được theo dõi rất sát sao vì có thể xảy ra những biến chứng nặng như xuất huyết nội tạng, xuất huyết tiêu hoá, xuất huyết não, tràn dịch màn phổi… Các xét nghiệm cận lâm sàn sẽ thể hiện rõ qua các xét nghiệm như: số lượng tiểu cầu giảm dưới 100.000/mm3 (<100G/L), siêu âm XQ củng sẽ thấy được dịch tràn màng phổi, ổ bụng… thậm chí nặng hơn có thể gây rối loạn đông máu.
2.3 Giai đoạn phục hồi:
Từ ngày thứ 7 trở đi, người bệnh sẽ hết sốt, thể trạng dần ổn định hơn, có cảm giác thèm ăn, buồn đi tiểu nhiều hơn. Dựa vào các xét nghiệm lâm sàng của người bệnh, đa số ở giai đoạn này thì bạch cầu dần tăng lên và trở về trạng thái bình thường.
Ở một sốt người bệnh sẽ có biếu hiện phát ban dưới da kèm theo ngứa nhưng biểu này thường chỉ xuất hiện sau vài ngày sau khi tiểu cầu trong máu dần trở về bình thường.
III. Những điều cần lưu ý về sốt xuất huyết Dengue
- Tuyệt đối không sử dụng Ibuprofen, Aspirin 500 mg để hạ sốt cho người đang mắc sốt xuất huyết vì nó có thể gây ra xuất huyết trầm trọng.
- Sử dụng Acetaminophen (Paracetamol) cho người bệnh trong trường hợp sốt trên 38.5 độ C cách nhau 4-6h, liều dùng 10-15mg/kg/ lần uống. tổng liều Acetaminophen không quá 60mg/kg/ ngày.
- Bổ sung nước và bù điện giải cho người bệnh: uống nước Cam, Chanh, oresol…
- Chế độ ăn uống dinh dưỡng, ngủ nghỉ hợp lí: bổ sung các thức ăn dễ tiêu như cháo, soup… tránh ăn những thức ăn qua ngày, quá cay hay quá nhiều dầu mỡ.
- Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, diệt lăng quang, muỗi, không tạo điều kiện cho các mầm bệnh xung quanh nơi ở…
- Nếu có những biểu hiện bất thường nào khác thì nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.
Tài liệu tham khảo:
- Parveen, S., Riaz, Z., Saeed, S., Ishaque, U., Sultana, M., Faiz, Z., Shafqat, Z., Shabbir, S., Ashraf, S., & Marium, A. (2023). Dengue hemorrhagic fever: a growing global menace. Journal of Water and Health, 21(11), 1632–1650. https://doi.org/10.2166/wh.2023.114
- Wang, W., Urbina, A. N., Chang, M. R., Assavalapsakul, W., Lu, P., Chen, Y., & Wang, S. (2020). Dengue hemorrhagic fever – A systemic literature review of current perspectives on pathogenesis, prevention and control. Wēi-miǎn Yǔ Gǎnrǎn Zázhì/Journal of Microbiology, Immunology and Infection, 53(6), 963–978. https://doi.org/10.1016/j.jmii.2020.03.007
Bài viết liên quan