Độ lọc cầu thận là một chỉ số có giá trị đáng tin cậy trong việc đánh giá và phân loại tình trạng bệnh thận. Độ lọc cầu thận thường được tính dựa trên độ tuổi của bệnh nhân, với độ tuổi càng cao thì chỉ số này có xu hướng giảm dần dù không có bất kỳ tổn thương nào trên thận.
I. Thận và vai trò của thận
Thận là cơ quan giữ vai trò quan trọng trong hệ tiết niệu. Nhiệm vụ chính của thận là lọc máu, các chất thải, hỗ trợ bài tiết nước tiểu. Ngoài ra thận còn giữ chức năng nội tiết và tham gia điều hoà thể tích máu trong cơ thể.
Vậy chỉ số nào giúp đánh giá hoạt động của thận?
Có nhiều chỉ số giúp đánh giá hoạt động của thận trong đó chỉ số độ lọc cầu thận thường được dùng phổ biến để đánh giá tình trạng hoạt động của thận. Đối với những bệnh nhân bị suy thận thì chức năng thận bị suy giảm không thể hồi phục lại như lúc đầu.
Tuy nhiên, những bệnh nhân bị suy thận vẫn có thể giữ độ lọc cầu thận ở mức ổn định không bị giảm thấp hơn nữa.
II. Độ lọc cầu thận là gì?
Độ lọc cầu thận (Glomerular Filtration Rate – GFR) là lưu lượng máu được lọc qua thận trong một đơn vị thời gian (thường tính bằng phút). Được xem là tiêu chuẩn vàng để đánh giá chức năng lọc cầu thận. Độ lọc cầu thận cho biết mức độ lọc chất thải ra khỏi máu của thận giúp xác định tổn thương thận hiện có và giúp phân loại giai đoạn bệnh thận mạn.
Độ lọc cầu thận càng cao thì chức năng thận càng tốt. Độ lọc cầu thận càng giảm thì chức năng thận càng suy yếu. Sau tuổi 30, GFR giảm dần 0,5-1ml/ 1 phút mỗi năm bất kể có tổn thương thận hay không.
Độ lọc cầu thận được tính như thế nào?
Đo độ lọc cầu thận trực tiếp được xem là chính xác nhất để phát hiện sự thay đổi của thận nhưng đo lường GFR trực tiếp rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi nhân viên y tế phải có nhiều kinh nghiệm, thường áp dụng tại các nơi nghiên cứu và trung tâm ghép tạng.
Do vậy độ lọc cầu GFR thường tính dựa trên lượng chất thải nhất định trong máu của bạn. GFR ước tính được gọi là eGFR. Để tính eGFR bác sĩ thường sử dụng kết quả xét nghiệm máu đo mức creatinin.
Creatinin là sản phẩm được tạo ra từ quá trình thoái hoá creatin trên các cơ bắp của cơ thể. Creatinin đa phần được thải qua nước tiểu, chỉ có một lượng nhỏ trong máu. Khi chức năng thận hoạt động không tốt, creatinin có thể lưu lại trong máu nhiều hơn.
Mỗi người sẽ tạo ra lượng creatinin khác nhau, tuỳ thuộc vào khối lượng cơ, chế độ ăn uống, và mức độ hoạt động của họ. Vì vậy để tính eGFR của bạn trung tâm xét nghiệm sẽ sử dụng mức creatinin và những thông tin khác về bạn, chẳng hạn như:
- Tuổi
- Giới tính
- Cân nặng
- Chiều cao
Ý nghĩa của độ lọc cầu thận
Độ lọc cầu thận ước tính ở người khoẻ mạnh > 90ml/phút/1,73m2
eGFR nằm trong khoảng <60ml/phút/1,73m2 cho thấy độ lọc cầu thận suy giảm vừa đến nhẹ
eGRF <15 ml/phút/1,73m2 là tình trạng suy thận giai đoạn cuối và cần can thiệp y tế ngay lọc máu hoặc ghép thận
Kết quả GFR và albumin niệu thường được kết hợp cùng nhau để đánh giá chức năng thận. Thông thường bác sĩ sẽ yêu cầu làm thêm các xét nghiệm khác để tìm nguyên nhân gây suy giảm chức năng thận, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Đối tượng nào cần theo dõi độ lọc cầu thận thường xuyên?
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh thận:
- Trên 50 tuổi
- Đái tháo đường
- Tăng huyết áp
- Tiền sử gia đình mắc bệnh thận, tiểu đường hoặc huyết áp cao
- Bệnh tim mạch
- Béo phì
Trong các nguyên nhân gây bệnh thận, tiểu đường và tăng huyết áp là nguyên nhân thường gặp nhất,. Kiểm soát tốt lượng đường trong máu và huyết áp là cách tốt nhất phồng ngừa tổn thương thận.
Bệnh thận giai đoạn sau có thể gây ra các triệu chứng. Vì vậy, cần xét nghiệm nếu có các triệu chứng sau:
- Phù ở chân, bàn chân, mắt cá chân, bàn tay hoặc mặt
- Đi tiểu thường xuyên hơn hoặc ít hơn bình thường
- Đi tiểu ra máu, có bọt, màu nâu
- Da khô, ngứa ngáy
- Chuột rút cơ bắp
- Buồn nôn và nôn
- Mệt mỏi và suy nhược
Bệnh thận giai đoạn đầu không có các triệu chứng rõ rệt. Do đó xét nghiệm eGFR để kiểm tra chức năng thận như một phần của khám sức khoẻ tổng quát định kỳ.
Hiểu rõ về độ lọc cầu thận giúp ta theo dõi sức khoẻ của bản thân và gia đình tốt hơn. Đánh giá được chức năng lọc của thận qua đó đưa ra các biện pháp chăm sóc và hướng điều trị phù hợp. Việc kiểm tra và đánh giá độ lọc cầu thận định kỳ rất cần thiết cho sức khoẻ của bạn và những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh thận cao.
Bệnh thận mãn tính và tổn thương thận cấp tính
Có 2 trường hợp làm độ lọc cầu thận giảm khi mắc phải:
- Tổn thương thận cấp tính: sự suy giảm nhanh chức năng thận trong vài ngày tới vài tuần thường tăng trở lại sau khi nguyên nhân gây tổn thương thận cấp được điều trị. Chỉ số độ lọc cầu thận của người bị tổn thương thận cấp tính có thể tăng trở lại mức ban đầu hoặc có thể thấp hơn một chút.
- Bệnh thận mãn tính: khi tổn thương thận trong thời gian dài, ở mức này độ lọc cầu thận của bạn sẽ giảm xuống và duy trì ở mức thấp trong vòng 3 tháng hoặc lâu hơn. Tổn thương thận ở người bị suy thận mãn tính là vĩnh viễn không thể hồi phục. Vì vậy ngay cả khi được điều trị tích cực ở những người này ít khi thấy độ lọc cầu thận của họ tăng trở lại. Điều này không có nghĩa rằng bạn không thể làm gì để ngăn độ lọc cầu thận giảm thêm nữa. Thông tin dưới đây chia sẻ một số bước giúp bạn ngăn ngừa thận tổn thương nặng thêm. Cũng như giúp tăng độ lọc cầu thận ở những người bị tổn thương thận cấp tính.
Bạn cần cung cấp thêm thông tin chi tiết với bác sĩ về độ lọc cầu thận, các triệu chứng bạn đang mắc phải và thói quen sinh hoạt hàng ngày để bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp với bạn.
Bạn cần thay đổi chế độ ăn uống và lối sống hằng ngày bất kể trong giai đoạn nào của bệnh thận. Trong giai đoạn đầu khi chưa có tổn thương về thận nhiều thì thay đổi lối sống có thể giúp bạn cải thiện độ lọc cầu thận.
Trong giai đoạn muộn hơn, bác sĩ sẽ kê toa thuốc giúp cải thiện chức năng thận kết hợp với thay đổi lối sống.
Giai đoạn cuối của bệnh suy thận bác sĩ sẽ chỉ định lọc máu hoặc ghép thận.
III. Làm thế nào để kiểm soát tốt độ lọc cầu thận
Thay đổi chế độ ăn và lối sống lành mạnh
Một chế độ ăn lành mạnh và cân bằng giúp cung cấp lượng protein, carbohydrat, chất béo, vitamin, chất khoáng cần thiết mỗi ngày
- Ăn nhiều rau hơn và hạn chế ăn thịt: mức creatinin cao và độ lọc cầu thận thấp luôn đi đôi với nhau. Thực phẩm từ động vật có lượng protein cao sẽ làm tăng creatinine dẫn đến làm tăng độ lọc cầu thận
- Ăn ít thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp
- Ăn ít muối: mục tiêu ít hơn 2300mg mỗi ngày. Thận bị tổn thương sẽ gặp khó khăn khi lọc natri. Vì vậy chế độ ăn nhiều muối có thể làm tình trạng nặng hơn làm giảm độ lọc cầu thận.
Duy trì cân nặng khoẻ mạnh
Khi cân nặng của bạn tăng lên lượng áp lực lên thận của bạn cũng tăng theo. Nếu bạn thừa cân hoặc béo phì việc giảm cân thông qua hoạt động thể chất, chế độ ăn uống khoa học có thể giúp thận của bạn khoẻ mạnh và cải thiện tình trạng sức khoẻ của bạn
Tập thể dục đều đặn
Các bài tập cardio đặc biệt cải thiện tuần hoàn máu. Lượng máu được bơm khắp cơ thể càng nhiều thì các chất được lọc qua thận hiệu quả hơn và mức lọc cũng tăng lên.
Lưu ý rằng hoạt động thể chất cường độ cao có thể làm sự phân huỷ creatine, dẫn đến làm tăng gánh nặng lên thận khiến độ lọc cầu thận giảm xuống. Vậy nên, bạn nên tập thể dục với cường độ trung bình và đều đặn.
Hoạt động thể chất thường xuyên mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ giúp cải thiện huyết áp tốt hơn, ngủ ngon hơn và cân nặng được duy trì ở mức tốt. Tất cả những điều này cũng có thể giúp thận khoẻ mạnh hơn.
Ngừng hút thuốc
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, huyết áp, đột quỵ và nhiều vấn đề sức khoẻ khác. Khí CO trong thuốc lá góp phần hình thành các mảng xơ vữa động mạch và làm cản trở sự lưu thông máu đến các cơ quan quan trọng như thận.
Điều này khiến thận khó thực hiện chức năng của mình hơn. Ngoài ra hút thuốc lá làm tăng lượng độc tố trong cơ thể và các chất độc này phải lọc qua thận. Việc bỏ hút thuốc lá không chỉ bảo vệ thận của bạn mà còn giúp các cơ quan khác khoẻ mạnh hơn.
Giữ huyết áp và đường huyết ở mức mục tiêu
Đối với những bệnh nhân suy thận có bệnh nền bị tăng huyết áp, tiểu đường có những chỉ số huyết áp và đường huyết nhất định cho từng đối tượng, bạn nên giữ các chỉ số đó trong phạm vi mục tiêu mà bác sĩ đưa ra cho bạn điều đó sẽ giảm mức độ tổn thương thận nặng nề thêm.
Sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) một cách thận trọng
Những loại thuốc giảm đau bạn uống hằng ngày có thể gây hại cho thận của bạn ở liều cao và sử dụng lâu ngày. Một số ví dụ về thuốc giảm đau kháng viêm NSAID:
- Celecoxib (Celebrex,..)
- Meloxicam ( Mobic,..)
- Diclofenac ( Cataflam,…)
- Ibuprofen ( Ibumed,..)
Có một số thuốc là thuốc không kê đơn một số loại thuốc trong nhóm này thường kết hợp với các hoạt chất khác. Khi bạn cần sử dụng thuốc có chứa nhóm này trong thời gian dài bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng.
Uống đủ nước
Phải uống đủ nước trong một ngày để giữ cho cơ thể đủ nước. Trong khi tất cả các loại chất lỏng đều có tác dụng bổ sung chất lỏng cho cơ thể, nước lọc là một trong những lựa chọn lành mạnh nhất để duy trì sức khỏe thận.
Không uống đủ nước khiến máu khó lưu thông đến thận. Điều này khiến thận phải chịu thêm áp lực khi cố gắng thực hiện nhiệm vụ của nó. Nhưng uống quá nhiều nước cũng không tốt. Vì vậy, nên uống đủ lượng nước cần thiết cho một ngày.
Nếu bạn lo lắng rằng mình có thể không uống đủ nước mỗi ngày, hãy trao đổi với bác sĩ trước khi tăng lượng nước uống đáng kể. Ví dụ, một số người bị suy tim hoặc bệnh thận giai đoạn cuối có thể bị giới hạn lượng nước mà cơ thể họ có thể xử lý mỗi ngày.
Chỉ số độ lọc cầu thận rất quan trọng với sức khoẻ của mỗi người. Việc độ lọc cầu thận của bạn giảm xuống qua từng năm khi bạn lớn tuối là bình thường. Bạn nên kiểm tra sức khoẻ tổng quát định kỳ nhưng cũng đừng quá lo lắng mà hãy để tinh thần thoải mái tập trung vào việc tìm ra các bước bạn có thể thực hiện để xây dựng lối sống lành mạnh và khoa học giúp cải thiện sức khoẻ của bạn tốt hơn.
Tài liệu tham khảo
1. Can my GFR get better? https://www-kidney-org.translate.goog/kidney-topics/can-my-gfr-get-better
2. Những điều cần biết cho bệnh nhân suy thận. https://moh.gov.vn/chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia/-/asset_publisher/7ng11fEWgASC/content/nhung-ieu-can-biet-cho-benh-nhan-suy-than?inheritRedirect=false
Bài viết liên quan